Chưa có cơ chế kiểm soát thủy điện ở thượng nguồn Mekong
Sáng 28/3, bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết năm nay biến đối khí hậu làm rất nhiều nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á; trong đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng xung quanh vấn đề này.
- 28-03-2016Vốn tín dụng vào cuộc chống hạn, mặn
- 28-03-2016Cổ phiếu nào hưởng lợi nhiều nhất trong mùa hạn hán lịch sử?
- 27-03-2016"Đỉnh" hạn hán, xâm nhập mặn vào tháng 4, tháng 5
- 26-03-2016Hạn hán và thiên tai đang được Trung Quốc "xuất khẩu" như thế nào?
- Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương, Phó Thủ tướng cho biết các nước trên thượng nguồn đã có động thái gì về vấn đề này?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán đang diễn ra gay gắt, cho nên chúng ta phải yêu cầu các nước trên dòng sông Mekong phải sử dụng bền vững nguồn nước. Vừa qua, Trung Quốc đã xả nước trên thượng nguồn sông Mekong là động thái tích cực. Sau đó, Lào cũng xả nước tại các đập thủy điện ở các nhánh sông, như vậy nguồn nước trên dòng sông Mekong sẽ tăng lên. Không chỉ riêng năm nay, hy vọng các năm tiếp theo cũng vậy.
-Vậy cơ chế hợp tác giữa các nước trên sông Mê Kông như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập từ năm 1995 gồm có 4 nước hạ lưu sông Mekong là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia. Trong hệ thống Ủy hội có một cơ chế rất quan trọng; trong đó, là sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì sông Mekong có tác động trực tiếp đến các nước.
Tuy nhiên, Myanmar và Trung Quốc chưa là thành viên của Ủy hội này. Và với việc thành lập cơ chế mới, cơ chế hợp tác giữa sông Lan Thương-Mekong, như vậy, trên thực tế là 6 nước trên dòng sông Mekong hợp tác; trong đó, có 5 lĩnh vực ưu tiên về phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, quản lý bền vững nguồn nước... Đây là cơ chế hợp tác mới mà các nước đang đưa ra các dự án cụ thể cho hợp tác này.
Việt Nam đã đề nghị rất tích cực trong việc quản lý bảo vệ, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Đó là vấn đề quan trọng tác động lên toàn bộ các nước vùng sông Mekong.
-Xin Phó Thủ tướng cho biết, Ủy hội đã có cơ chế nào đối với việc các nước thượng nguồn sông Mekong xây dựng các đập thủy điện?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay, trên dòng sông Mekong có Ủy hội sông Mekong quốc tế (4 nước vùng hạ lưu) và có quy định về việc phát triển các đập thủy điện hoặc sử dụng nguồn nước trên dòng sông Mekong phải có sự thông báo và thỏa thuận của các nước và hiện 4 nước trong Ủy hội đang tôn trọng quy định này. Còn lại, chúng ta không có quy định nào đối với các nước ngoài Ủy hội như Trung Quốc và Myanma. Do đó, chưa có cơ chế nào đối với các nước ở thượng nguồn sông Mekong phát triển thủy điện.
Hiện nay, cơ chế hợp tác sông Lan Thương-Mekong, trên cơ sơ bước đầu là đưa vấn đề phát triển bền vững nguồn nước. Trung Quốc đã phát triển các đập thủy điện trên dòng sông Lan Thương rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao quản lý việc xả nước và sử dụng nước như thế nào.
- Vậy, các nước trên thượng nguồn sông Mekong cũng như các tổ chức quốc tế có hỗ trợ gì cho các nước đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trung Quốc cũng đã có một số cam kết cụ thể như dành một số nguồn tài trợ từ một số quỹ và trên cơ sở nguồn tài trợ đó, các nước trao đổi với nhau. Tất nhiên nguồn tài trợ đó không phải là cho không, đây là quỹ mà quỹ thì có các cơ chế hợp tác, làm sao để phục vụ cho việc phát triển 5 mục tiêu của cơ chế hợp tác này.
Bên cạnh đó, dự kiến trong thời gian tới, Liên hợp quốc sẽ vận động để hỗ trợ cho các nước bị hạn hán. Năm nay biến đối khí hậu làm rất nhiều nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á; trong đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, Liên hợp quốc sẽ vận động để đưa các nước bị hạn hán vào nhóm sẽ được hỗ trợ./.
Vietnam+