MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chưa có lực lượng nào nghèo, khổ như quản lí thị trường”

01-11-2014 - 07:42 AM | Xã hội

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Quản lí thị trường (QLTT), Bộ Công Thương khẳng định chưa có lực lượng nào nghèo, khổ như lực lượng quản lý thị trường mà lại bị mang tiếng!

Người dân cho rằng, trong thời gian qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua chưa phản ánh hết thực tế buôn lậu tại Việt Nam. Tại cuộc “Toạ đàm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” diễn ra ngày 31/10 đại diện lực lượng hải quan, QLTT đã có những chia sẻ về khó khăn, bất cập trong công tác chống buôn lậu.

Kết quả chưa phản ánh được thực tế

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu, phụ trách Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhận định buôn lậu đã trở thành quốc nạn trở thành một cuộc chiến cực kì cam go và khó khăn.

Ông Cẩn thừa nhận, trong thời gian vừa qua, kết quả đạt công tác chống buôn lậu chưa được như kì vọng. Theo ông Cẩn có những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật vẫn có chồng chéo khó thực hiện. Vì vậy phải sửa đổi cho phù hợp, trong đó có quy định về thẩm quyền của QLTT. Các thông tư, chỉ thị, ngành bưu chính viễn thông,... chậm được ban hành.

Thứ 2, phương thức bọn buôn lậu tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt từ biên giới. Vừa rồi, 30 cán bộ vào truy bắt đối tượng buôn lậu thuốc lá, 2 cán bộ đã bị thương.

Thứ 3, các lực lượng chống buôn lậu còn quá mỏng. Biên giới có nhiều đường ngang, cánh gà, địa bàn phức tạp trong khi đó liên huyện có 3-4 người trang thiết bị yếu và thiếu nhiều. Công tác phối hợp liên ngành giữa các bên còn chưa chặt chẽ có lúc bỏ ngỏ thị trường, để cho buôn lậu lợi dụng lúc thay ca.

Bên cạnh đó, ông Cẩn cho biết trong 10 tháng đầu năm, QLTT đã phát hiện 18.000 vi phạm, xử phạt 188 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là thành tựu lớn mà ngành đạt được và đã được Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và khen thưởng.

Quản lý thị trường nghèo, khổ nhất

Nói về những khó khăn của lực lượng QLTT, ông Nguyễn Trọng Tín,  Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng thời gian qua có nhiều bất cập trong chỉ đạo ngành.

“Về công tác chống buôn lậu nói chung, Bộ Công Thương được Chính Phủ giao cho chỉ đạo trong 63 tỉnh thành. Nhưng thực chất chỉ là đạo cục là 62 người, còn việc chống buôn lậu thực tế trong 63 tỉnh thành phố là do Sở Công Thương các tỉnh thành quản lý, Cục QLTT không quản lý. Từ trước đến nay mọi người cứ lầm tưởng là chúng tôi quản lý. Thực sự thì công tác chống buôn lậu trong thời gian qua chưa có sự thống nhất giữa các lực lượng do lực lượng mỏng và quá phân tán” ông Tín nói.

Ông Tín khẳng định chưa có lực lượng nào nghèo, khổ như QLTT mà lại bị mang tiếng. “Thời gian qua Chính Phủ đã có sự sẻ chia, thấu hiểu những gian khổ, khó khăn của lực lượng. Từ đó có sự quan tâm đến lực lượng này hơn, nghèo khổ quá khó có thể chống được buôn lậu. Chỗ ở hầu hết phải đi thuê, hiếm mới có đội có ô tô thì ô tô lại cũ…”, ông Tín cho hay.

Trước câu hỏi hàng lậu, hàng giả được bày bán công khai ở Việt Nam, nhiều khi lực lượng QLTT biết mà cố tình làm ngơ của một độc giả ở Hải Dương, ông Nguyễn Trọng Tín phản bác và cho rằng QLTT là một trong những lực lượng xung kích chống buôn lậu. “Tôi nói thật, các tiêu cực không phải ở QLTT mà ngành nào cũng có, tiêu cực chỉ ở mức quá nhỏ so với thành tích của lực lượng QLTT đã đạt được trong thời gian qua”, ông Tín nói.

Trước thực tế khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã có sự đóng góp nhất định cho lực lượng chống buôn lậu. Tiêu biểu như Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã đóng góp 45 tỷ đồng vào công tác chống buôn lậu, giúp giải quyết những khó khăn trước mắt của đội chống buôn lậu.

Địa phương nào để xảy ra buôn lậu…sẽ phải chịu trách nhiệm

Mới đây Chính Phủ đã quy định rõ, trách nhiệm của các lực lượng trong công tác chống buôn lậu. Cụ thể, chống buôn lậu ở khu vực cửa khẩu, đường bộ, hàng không…thuộc nhiệm vụ của lực lượng hải quan. Ngoài cửa khẩu, các đường mòn lối mở thuộc trách nhiệm của biên phòng. Ở các cảng biển là cảnh sát biển.

Tuy nhiên, theo ông Cẩn các lực lượng chức năng ở biên giới còn hạn chế nên vừa rồi Thủ Tướng Chính Phủ đã phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo phương châm: đánh từ trong nội địa đánh ra. Theo đó, sẽ giao nhiệm vụ cho địa phương, địa phương nào để xảy ra thì phải chịu trách nhiệm trước Chính Phủ.

Chống buôn lậu gặp khó vì người dân vẫn chuộng hàng giả

“Buôn lậu đã là quốc nạn, hàng giả cũng là quốc nạn chưa hội nhập đã vậy rồi vậy thì tới đây hội nhập càng rộng, càng sâu vào thế giới thì các tệ nạn về hàng giả, hàng nhái sẽ giải quyết thế nào đây”, ông Tín trăn trở.

Theo ông Tín, 10 tháng đầu năm 2014 Hải quan đã bắt giữa tổng số 13.000 vụ vi phạm hàng giả, tiền phạt là 45 tỷ đồng. Để tình trạng hàng giả, hàng lậu diễn ra công khai như hiện nay ông Tín cho rằng chủ yếu là do nhận thức của cộng đồng còn quá yếu. Tâm lý người tiêu dùng còn sính hàng giả, còn ham rẻ. Vùng sâu, vùng xa dân trí thấp, người dân thấy hàng mẫu mã đẹp là mua.

Buôn lậu ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Đa phần các khách mời đều nhận định các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, tinh vi. Cuộc chiến với buôn lậu căng thẳng, có nhiều lực lượng chống buôn lậu đã bị thương trong quá trình hoạt động.

Trên thực tế các trang thiết bị của các đối tượng buôn lậu đã hiện đại và đầy đủ hơn rất nhiều so với lực lượng chức năng quản lý. Ông Tín lấy ví dụ, tàu biển của đối tượng buôn lậu có vận tốc chạy gấp đôi so với tàu của cảnh sát biển, vì vậy việc truy đuổi các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.

Về các loại hàng giả, hàng nhái…các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Với công nghệ hiện đại chỉ cần trong 2-3 ngày chúng có thể làm ra đủ các loại tem, mẫu mã y như thật khiến công tác phát hiện gặp khó.

Gần đây, các lực lượng chức năng đã hoạt động quyết liệt, thực hiện nhiều chuyên án truy bắt nên số lượng bắt giữ tăng lên. Trước đây chưa bắt được phương tiện buôn lậu bằng các xuồng cao tốc thì giờ đây cảnh sát biển chủ động dùng chiến thuật bắt được các xuồng đó.

Thuốc lá là mặt hàng đáng báo động vì bị buôn lậu nhiều nhất bởi lợi nhuận từ buôn lậu gấp 30 lần so với người sản xuất. Việc quy định buôn 1500 bao thuốc lá lậu mới phải truy tố trước pháp luật khiến các đối tượng xé lẻ ra, tối đa mỗi lần chỉ đem 500 bao.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho hay, hầu hết các đối tượng buôn lậu có hiểu biết pháp luật nên rất khó bắt. Ông Cường đề xuất: “Phải giảm mức truy tố xuống còn 500 bao thuốc lá lậu thì mới phát huy tác dụng. Thực sự với người sản xuất chúng tôi rất đau đầu, vì thuốc lá lậu mà chúng tôi không ngóc đầu lên được mà Nhà nước mỗi năm cũng thất thu trên 8000 tỷ đồng”.

>>> Tuyên chiến với buôn lậu và hàng giả, hàng nhái 

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên