Chưa làm đã thấy khó
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đang đặt ra nhiều thách thức cho cả ngành BHXH và người lao động
- 30-01-2015Năm 2015, Bảo hiểm xã hội được tiêu trên 2/3 khoản thu
- 15-01-2015Mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Hệ lụy khó lường
- 03-01-2015Một số quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 27-12-2014Nhức nhối nợ đọng Bảo hiểm xã hội
- 25-11-2014Quỹ Bảo hiểm xã hội: Coi như mất trắng 1.052 tỷ đồng!
Để bảo đảm an sinh xã hội và an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật BHXH sửa đổi năm 2014 (có hiệu lực vào ngày 1-1-2016) đã mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đồng thời bỏ các ràng buộc liên quan đến điều kiện tham gia BHXH tự nguyện nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 25 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và gần 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, tại hội thảo về triển khai thi hành Luật BHXH tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng việc đạt mục tiêu này là “cực kỳ khó khăn”
Khó xác định đối tượng
Bà Phương phân tích: Hiện không có cơ quan nào là đầu mối để quản lý, nắm chắc số đơn vị cũng như số lao động thuộc diện tham gia BHXH nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH gặp nhiều vướng mắc. Tính đến hết năm 2014, cả nước có trên 16 triệu người có quan hệ lao động từ 3 tháng trở lên nhưng chỉ khoảng 11,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.
“Trong khi đó, Luật BHXH 2014 lại mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn từ 1-3 tháng. Chúng tôi chưa thể xác định được số người có quan hệ lao động thuộc trường hợp này nên đã khó lại càng khó hơn” - bà Phương lo lắng.
Bên cạnh đó, Luật BHXH mới còn mở rộng đối tượng đến NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, hiện nay lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được điều chỉnh bởi pháp luật BHXH của nước sở tại. Như vậy, rất có thể NLĐ phải tham gia BHXH 2 lần. Điều này cũng tương tự trường hợp công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Nhiều quy định còn chung chung
Một điểm mới khác của Luật BHXH đang làm khó cơ quan BHXH là điều 87 quy định mức đóng hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện là 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, luật cũng quy định căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách... mà Chính phủ sẽ quy định mức hỗ trợ, đối tượng và thời điểm hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu, khi nào thực hiện thì lại không quy định nên rất khó thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia từ 196.000 người hiện tại lên 2,8 triệu người tham gia BHXH tự nguyện trong vòng 6 năm tới.
Chia sẻ khó khăn của ngành BHXH, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn: “Suốt 4 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, tôi chưa thấy có nghị định, thông tư nào có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực. Hy vọng với Luật BHXH lần này, những cơ quan có liên quan sẽ làm cú đột phá để các văn bản hướng dẫn được ban hành cùng thời điểm luật có hiệu lực, tạo điều kiện để chính sách đi vào cuộc sống”.
Bảo đảm bản án phải được thực thi
Trước tình trạng doanh nghiệp nợ và chiếm dụng tiền BHXH bị cơ quan BHXH kiện ra tòa, sau khi có bản án, doanh nghiệp vẫn chây ì không thi hành, bà Nguyễn Tuyết Liên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết Luật BHXH giao nhiệm vụ cho tổ chức Công đoàn (CĐ) đại diện NLĐ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.
“Nên chăng khi ký kết quy chế phối hợp về việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với TAND Tối cao, tổ chức CĐ cần đề nghị đơn giản hóa thủ tục thụ lý, xét xử vụ kiện sao cho tổ chức CĐ có thể tham gia khởi kiện một cách nhanh, gọn, hiệu quả và tránh được việc án đã tuyên nhưng không thi hành được như thời gian vừa qua”- bà Liên đề nghị.
Theo Mai Chi