MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Pháp: Việt Nam không nên lao vào một cuộc xung đột quân sự

13-05-2014 - 17:17 PM | Xã hội

Theo chuyên gia, Trung Quốc đang cố gắng thực hiện một khái niệm mà hiện nay đã rất rất lỗi thời, chỉ phổ biến từ thế kỷ 19, đó là cố gắng thiết lập "một phạm vi ảnh hưởng khu vực."

Giáo sư François Godement, giám đốc phụ trách về châu Á-Trung Quốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định, Trung Quốc có những bước đi nguy hiểm vừa qua trên biển Đông một mặt nhằm thực hiện chiến lược tranh giành lãnh thổ trên biển, mặt khác hù dọa Việt Nam và Philippines.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn ông François Godement do phóng viên TTXVN tại Pháp thực hiện.

- Như ông đã biết, tình hình Biển Đông những ngày qua đã trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, tại sao Trung Quốc lại có thái độ hung hăng như vậy vào thời điểm hiện nay?

Giáo sư François Godement: Tôi cho rằng bước đi này thể hiện sự liên tục mang tính chiến lược trong các hành động của Trung Quốc, mặc dù thời gian và địa điểm của các hành động do Trung Quốc tiến hành có khác nhau.

Có những thời điểm, rất hiếm hoi, Trung Quốc đồng thời hành động ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, có lúc Trung Quốc chỉ tập trung vào một khu vực nhất định. Nhưng từ năm 2009 đến nay, chưa bao giờ họ ngừng thực hiện các hành động tương tự, với mục đích chính là khẳng định ý đồ tranh giành lãnh thổ của mình trên các vùng biển.

- Theo ông, hành động của Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực?


Giáo sư François Godement: Nguy cơ từ các hành động như vậy dẫn đến leo thang thành xung đột trong khu vực rất lớn. Tại Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines là hai đối tác khó chịu đối với Trung Quốc.

Việt Nam không tham gia vào một liên minh quân sự nào khiến cho dễ bị rủi ro hơn nếu xảy ra một cuộc đối đầu hạn chế. Philippines đã sử dụng biện pháp pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, do đó Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng, biện pháp này (của Philippines) là phản tác dụng.

Trung Quốc rõ ràng đã thể hiện thái độ không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, sẵn sàng sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Họ đang cố gắng thực hiện một khái niệm mà hiện nay đã rất rất lỗi thời, chỉ phổ biến từ thế kỷ 19, đó là cố gắng thiết lập "một phạm vi ảnh hưởng khu vực."

- Cho đến nay Việt Nam vẫn thể hiện thái độ kìm chế trước các hành vi "tấn công" từ phía Trung Quốc. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để giảm sức ép từ phía Trung Quốc và quan trọng hơn, buộc nước này phải rút khỏi vùng biển của mình?

Giáo sư François Godement: Việt Nam đứng trước lựa chọn rất khó khăn, bởi vì sức mạnh hải quân yếu hơn nhiều so với của Trung Quốc và không tham gia vào một liên minh quân sự nào – có lẽ đây là lý do chính khiến Trung Quốc nhòm ngó vùng đặc quyền kinh tế.

Ý đồ của Trung Quốc là lợi dụng thái độ do dự của Mỹ, không muốn tham gia vào một hành động biểu thị sức mạnh.

Theo tôi, ngoài việc xây dưng các mối liên kết hoàn toàn mới, Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp pháp lý. Việt Nam không nên lao vào một cuộc xung đột quân sự.

Trước tình hình này, Ngoại giao Việt Nam nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác lớn, như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, ASEAN và cả Liên minh châu Âu để phát huy sức mạnh ngoại giao.

Tôi cho rằng trong vụ việc này, các nước châu Á khác hẳn đã được báo động thêm một lần nữa về các tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển./.

Theo TIẾN NHẤT/PARIS

hangnt

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên