Chuyên gia UNDP Jairo Acuna - Alfaro: “600.000 quan chức phải kê khai tài sản là quá nhiều”
Một trong những yếu tố quan trọng trong kê khai tài sản là tìm ra dấu hiệu giả dối của các quan chức thông qua việc kiểm tra bản kê khai qua kênh thông tin báo chí, hay qua các cơ quan độc lập.
“Để có thể kiểm soát hiệu quả việc kê khai tài sản của các quan chức tại Việt Nam, điều quan trọng là phải đề cập rõ ràng hơn thu nhập nhắm đến là loại thu nhập nào, và nguồn gốc của chúng. Nếu chỉ xét tiền lương không thôi, tôi có thể thấy rất nhiều quan chức đang sống trong điều kiện vượt xa mức lương chính thức” - Chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Jairo Acuna - Alfaro trao đổi với PV Lao Động.
Bộ Chính trị mới ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường vai trò của Đảng trong việc giám sát việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chỉ thị?
- Tôi cho rằng Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị rất đúng đắn, và đây có lẽ là thời điểm để Đảng tăng cường hơn nữa vai trò trong việc xử lý tham nhũng. Nhưng tôi băn khoăn tại sao Chỉ thị không ra sớm hơn?
Việt Nam đã có rất nhiều quy định, văn bản đề cập đến yêu cầu minh bạch tài sản, thu nhập. Nội dung của Chỉ thị số 33 khá tương đồng với các văn bản đó. Ở Việt Nam vẫn có câu “bình mới, rượu cũ”. Tôi nghĩ cần phải tránh điều này. Việt Nam đã có khuôn khổ pháp luật khá hoàn thiện về phòng, chống tham nhũng, trong đó có yêu cầu kê khai tài sản. Song, có lẽ đã đến lúc cần phải bắt đầu thực thi nghiêm túc những quy định đó.
Theo ông, Việt Nam hiện đang ở đâu trên con đường chống tham nhũng?
- Tôi nghĩ rằng, Việt Nam chưa tiến được nhiều trên chặng đường này trong suốt 10 năm qua. Việt Nam tham gia ký Công ước LHQ về chống tham nhũng vào năm 2003 và chính thức phê chuẩn nó năm 2009. Giờ là năm 2014 và Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi chống tham nhũng mạnh mẽ hơn.
Có ý kiến bênh vực cho kết quả chống tham nhũng còn khiêm tốn ở Việt Nam rằng “nước nghèo nào chả thế”. Ông có đồng tình?
- Điều này cũng có phần nào hiểu được. Mọi người thấy rằng Hàn Quốc hay Singapore khi còn nghèo cũng từng là quốc gia rất tham nhũng, nhưng khi họ giàu có lên thì mọi quy tắc đều minh bạch hơn rất nhiều. Dư luận hay so sánh Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng những gì chúng ta thấy trong những năm qua là sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền Trung Quốc trong việc trừng phạt quan tham. Thậm chí, cuộc chiến này đã đụng đến các quan chức cao cấp nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc.
Không phải Việt Nam cũng đang thực thi chiến dịch tương tự sao, thưa ông?
- Đúng. Đó là lý do tôi rất lạc quan về chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam. Vấn đề tham nhũng đã được thảo luận cởi mở hơn và rõ ràng hơn. Chúng ta có thể thấy sự sẵn sàng hơn của các nhà lãnh đạo trong việc xử lý nạn tham nhũng và đưa ra tòa xét xử. Mặt khác, bất chấp nạn tham nhũng, Việt Nam vẫn đang phát triển hướng về phía trước. Bất chấp nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đang được hoàn thiện hơn.
Bất chấp tham nhũng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam. Hãy thử tưởng tượng Việt Nam sẽ phát triển đến đâu nếu như không có tham nhũng.
Kỳ vọng Việt Nam sẽ có một luồng gió mới!
Có nghĩa, ông tin rằng cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam sẽ có dấu hiệu tích cực với Chỉ thị 33?
- Việc xử lý triệt để nạn tham nhũng không thể thực hiện ngay trong ngày mai, hay trong năm 2014. Nhưng Đảng có thể sẽ tạo ra nền tảng vào năm 2014, để có thể bắt đầu từng bước “làm sạch hệ thống”. Chống tham nhũng giống như một cuộc chạy tiếp sức. Nếu chạy quá nhanh, bạn sẽ hết sức và không thể về đích.
Tôi lạc quan bởi từ những gì quan sát được, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam hiện đang ở tốc độ vừa phải, đủ sức để tăng tốc trong chặng sau. Vào năm 2016, khi Việt Nam đón thế hệ các nhà lãnh đạo mới, tôi kỳ vọng việc chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ có được một làn gió mới.
Kinh nghiệm từ các nước khác trong việc kiểm soát kê khai tài sản như thế nào, thưa ông?
- Tôi lấy câu chuyện từ Philippines làm ví dụ. Một vị chánh án toà án tối cao của Philippines thuộc đối tượng phải kê khai tài sản. Ông ta đã thực hiện kê khai. Tuy nhiên, một ủy ban thanh tra độc lập phát hiện ra ông ta giấu nhẹm một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, và vị chánh án này đã bị sa thải.
Một trong những yếu tố quan trọng trong kê khai tài sản là tìm ra dấu hiệu giả dối của các quan chức thông qua việc kiểm tra bản kê khai qua kênh thông tin báo chí, hay qua các cơ quan độc lập. Nếu khai gian và bị phát hiện, họ sẽ bị cách chức và có thể bị truy tố nếu khối tài sản không chứng minh được nguồn gốc cho thấy dấu hiệu tham nhũng.
Một trường hợp khác là một quan chức cao cấp tại một quốc gia Đông Âu. Ông ta đến một cuộc họp, đeo một chiếc đồng hồ Rolex sang trọng. Các phóng viên đã chụp được ảnh và đặt câu hỏi làm sao ông ta đủ tiền mua chiếc đồng hồ đắt đến như vậy với mức lương của mình?
Họ tra danh sách kê biên tài sản, vốn quy định bao gồm toàn bộ mọi tài sản quá 5.000USD trở lên, để xem quan chức này có kê khai chiếc đồng hồ này không. Kết quả là việc khai gian bại lộ.
Tại quê hương tôi ở Costa Rica, thông tin về kê khai tài sản đều được công bố rõ ràng và ai cũng có thể kiểm tra.
Ông có khuyến nghị nào thêm đối với Việt Nam để thực thi thành công việc kiểm kê tài sản và giám sát kiểm kê?
- Kinh nghiệm thành công của quốc tế cho thấy số lượng quan chức phải kê khai tài sản càng “tinh”, việc kiểm tra tính chính xác của bản kê khai càng dễ dàng. Điều quan trọng thứ hai là xã hội, đặc biệt là báo chí, phải được tiếp cận với thông tin kê khai tài sản để cùng kiểm chứng.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải giảm bớt số người kê khai tài sản. 10% của 600.000 quan chức phải kê khai vẫn là quá nhiều. Có lẽ chỉ nên lấy 1% mà thôi và thực hiện việc kiểm tra tài sản một cách ngẫu nhiên. Thêm nữa, là kiểm soát theo cương vị, chức vụ.
Ví dụ, ta có thể bắt đầu với bên hành pháp, với 22 bộ trưởng và khoảng trên 100 thứ trưởng. Như vậy, con số kê khai là chưa đầy 200 người, hoàn hảo để có thể kiểm soát. Và nếu muốn mở rộng danh sách này, có thể bao gồm thêm Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố…
- Xin cảm ơn ông.
“Bất chấp nạn tham nhũng, Việt Nam vẫn đang phát triển hướng về phía trước. Bất chấp nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đang được hoàn thiện hơn. Bất chấp tham nhũng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam. Hãy thử tưởng tượng Việt Nam sẽ phát triển đến đâu nếu như không có tham nhũng?!” |