“Nếu chúng ta “chắt chiu”, tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh thiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách…. thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với báo chí bên hành lang phiên họp Quốc hội.
** Thưa ông, lộ trình tăng lương tối thiểu đã bị lùi 2 năm và sang năm 2015 cũng sẽ tiếp tục lùi do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên lùi thời gian tăng lương cho người lao động thêm nữa?Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đúng vậy, tôi cho rằng cần phải tính toán và xem xét kỹ lưỡng để có thể tăng lương tối thiểu cho người lao động. Hiện tại, trong các khoản chi ngân sách thì tới 67% dành cho chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài…). Nếu chúng ta “chắt chiu”, tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh thiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách…. thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương.
** Nhưng trong cuộc họp mới đây, dù dự kiến thu ngân sách sẽ vượt chi gần 10% trong năm 2014, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, sẽ không còn nguồn nào dành cho chi tăng lương, bởi vượt thu thì cũng dành để trả nợ…?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Khoản vượt thu thì dùng vào nhiều việc, trong đó có một phần dành cho trả nợ. Đúng là ngân sách đang rất khó khăn, nhưng tôi nhắc lại, việc điều chỉnh tiền lương vẫn có thể thực hiện được nếu tính toán khoa học và cơ cấu lại nguồn chi có giới hạn một cách hợp lý.
Trong trường hợp không thể tăng hết toàn bộ đối tượng thì cũng có thể tính tới phương án tăng từng phần theo từng đối tượng ưu tiên với tỷ lệ tăng khác nhau. Đơn cử, trong đợt tăng đầu tiên có thể xét ưu tiên tăng lương cho người lao động thu nhập thấp, dưới 5 triệu đồng/tháng. Còn với đối tượng thu nhập hàng tháng trên 5 triệu đồng/tháng thì có thể xét tăng sau. Ứng với từng nhóm cụ thể sẽ có tỷ lệ tăng lương khác nhau, dao động từ 2-5%.
Nếu thực hiện theo phương án này chúng ta phải tổ chức, sắp xếp lại lao động. Vì hiện trong cùng bộ máy khu vực Nhà nước cũng có những công việc, vị trí mức lương hàng tháng khá thấp, như y tá, giáo viên… Ngược lại, có những vị trí thu nhập lại rất cao. Phải đánh giá để kéo gần lại khoảng cách chênh lệch về thu nhập hiện nay.
** Nhưng nếu tăng lương cho người thu nhập thấp trước, liệu có phá vỡ hệ thống thang bảng lương hiện nay, thưa ông?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Khi cần thì cũng phải xem xét lại toàn bộ hệ thống thang bảng lương hiện nay cho phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước đang sửa đổi, để làm sao nâng cao đời sống người lao động. Không thể phủ nhận, hiện nay đang tồn tại khoảng cách giàu nghèo khá lớn trong nước.
** Ông vừa nói ngân sách cắt giảm khoản chi không cần thiết thì có thể tính tới chuyện tăng lương cho người lao động, nhưng lộ trình tăng lương đã hoãn tới 2 năm rồi và hiện có nguy cơ sẽ hoãn tiếp, thưa ông?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Vừa rồi chúng ta hoãn việc tăng lương vì trông chờ vào kết quả đề án cơ cấu lại, tinh giản biên chế bộ máy hành chính sự nghiệp. Nhưng tiếc là việc tinh giản tiến hành quá chậm chạp, bộ máy vẫn cồng kềnh. Nhưng giờ đã tới lúc phải tiến hành song song, chứ không có thu nhập đảm bảo mức sống hàng ngày thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất lao động.
** Ông có cho rằng, nên xã hội hóa khu vực hành chính sự nghiệp, để khu vực này tự thu, tự chi….nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chủ trương xã hội hóa khu vực này không phải là ý tưởng mới, mà hiện chúng ta vẫn đang thực hiện, có điều kết quả tới đâu thì cần xem lại. Ngoài chuyện giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì cũng phải chú ý tới chuyện nâng cao hiệu suất lao động của người lao động.
Bộ máy hiện quá lớn, hiện nay chi ngân sách có 3 khoản: chi đầu tư phát triển khoảng 17%, trả nợ khoảng 13% còn lại gần 70% cho chi thường xuyên. Chi thường xuyên có nhiều khoản, nhưng nếu quyết liệt cho các khoản chi thì có ….
Trong thu ngân sách thì thu từ dầu thô đã cạn; thu từ XNK cũng khó tăng. Nguồn thu duy nhất có thể tăng là thu nội địa, cụ thể là thu từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó doanh nghiệp FDI còn rất lớn.
Chi ngân sách (thường xuyên, trả nợ, đầu tư phát triển): trước 2011 chi thường xuyên chỉ chiếm 50-55% tổng chi, hiện nay chiếm lên 65-70% tổng chi. Chi đầu tư phát triển cũng giảm dần thời gian qua nhưng lại không hiệu quả. Phải cụ thể hóa Luật Đầu tư công, có hiệu lực từ 1/1/2015, vì thế cần sớm có các văn bản hướng dẫn Luật này để khi luật đưa vào có hiệu quả.
** Có ý kiến đề nghị cơ cấu lại, phấn đấu đến 2020, tỷ trọng chi thường xuyên còn 50%, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 30%, chi trả nợ còn 20% để đảm bảo lành mạnh ngân sách Nhà nước. Theo ông việc này liệu có làm được?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng thực hiện giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống, có điều quyết tâm chính trị ở đây là rất lớn. Do đó, không còn cách nào khác là phải tăng nguồn thu ngân sách để đảm bảo chi, đồng nghĩa nền kinh tế phải tăng trưởng, kéo theo thu nội địa tăng thì mới có nguồn bù đắp.
Chi đầu tư phát triển cũng phải sớm sinh lời để mang lại hiệu quả, đóng góp vào phần chi ngân sách.
** Xin cảm ơn ông.
Theo Thanh Hà