MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Có nước bạn thấy đồng nghiệp Việt Nam đến là sợ rồi”

25-12-2013 - 11:21 AM | Xã hội

Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát việc cán bộ đi "giao lưu, tham quan" tại nước ngoài

Đẩy mạnh cổ phần hoá, xoá bỏ hình thức đầu tư BT trả bằng tiền, kiểm soát chặt đi công tác nước ngoài, ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, công khai minh bạch tài sản người có quyền hạn… là những chỉ đạo cụ thể mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành phải triển khai trong năm 2014.

Chấm dứt dự án BT trả bằng tiền

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong năm 2013, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, chúng ta vẫn cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, thể hiện rõ nhất là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

“Năm vừa qua chúng ta có khá nhiều điểm sáng về vĩ mô, nhưng không nên chủ quan, lơ là. Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu…để tăng trưởng GDP có thể đạt 5,8% trong năm 2014, và năm 2015 sẽ đạt trên 6%”, Thủ tướng nói.

Với nhiệm vụ trong năm 2014, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bởi theo Thủ tướng, thực tế vẫn còn những vấn đề chưa thật vững chắc, cần tập trung đột phá về thể chế, tái cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp nhà nước.

Trước đó, phát biểu về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm, trong đó có hình thức đầu tư BT đối với các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh, hình thức BT nghĩa là doanh nghiệp làm trước rồi sau đó nhà nước phải trả. Nếu dự án BT mà nằm trong nguồn vốn của địa phương thì địa phương được quyết định. Còn nếu là dự án từ nguồn vốn Trung ương thì các bộ, ngành phải thẩm định quy mô và sự cần thiết của dự án.

“Nếu cứ để tình trạng địa phương phê duyệt, Trung ương chi tiền thì trả nợ không nổi đâu”, Thủ tướng khẳng định.

Tiếp lời Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lưu ý, các bộ ngành, địa phương cần phải hết sức cân nhắc các dự án BT vì đây thực chất là đi vay nóng, sau đó ngân sách vẫn phải trả. Chính phủ và các cấ chỉ chấp thuận đối với những dự án thật sự cần thiết, phải làm ngay.

“Mấy năm trước, nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng để đầu tư với lãi suất lên tới 17%, khiến nhiều dự án giá trị đã đội lên gấp đôi, làm một con đường nhưng phải trả tiền cho 2 con đường. Do đó, thực hiện dự án theo hình thức BT là hết sức hạn chế”, Bộ trưởng Vinh nói.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cơ quan này đã thống nhất với Bộ Tài chính, sắp tới sẽ dự thảo sửa đổi Nghị định 108 theo hướng loại bỏ hình thức BT trả bằng tiền, may ra chỉ xem xét các dự án BT trả bằng đất.

Khép lại nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị chấm dứt việc này, đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp chạy vốn. Trong đầu tư các dự án, không để xảy ra chuyện “doanh nghiệp bảo địa phương đồng ý đi, tôi chạy Trung ương cho”.

"Đi nước ngoài quá trời"

Liên quan đến một số nội dung khác trong điều hành, Thủ tướng thừa nhận, việc hoàn thiện thể chế còn chậm, có cái rất chậm, có cái ban hành nhưng không hiệu quả, không thể đi vào cuộc sống. Phân cấp về nhân sự, tài chính… cũng chưa làm tròn trách nhiệm, trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương cũng chưa tốt.

“Sắp tới tôi yêu cầu phải có bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ công chức được việc hay không được việc. Hiện nay nhiều người áng chừng 30% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi các bộ, ngành báo cáo lên thì chỉ 1%. Đây là một vấn đề bức xúc, phải làm sớm”, Thủ tướng đề nghị.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tập trung vào công khai về năng lực cạnh tranh của bộ, ngành địa phương. “Chúng ta bây giờ cái gì cũng phải minh bạch hết”.

Về một số nhiệm vụ kinh tế trọng tâm, Thủ tướng đề nghị quyết liệt hơn trong tái cơ cấu, sắp xếp ngân hàng yếu kém, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. “Nhân tố quyết định vẫn là con người. Nếu bố trí ông chủ tịch, ông giám đốc không làm được việc thì không tái được gì hết”.

Cùng với đó, trong năm tới phải quyết liệt cổ phần hoá, chỉ giữ lại một số cần thiết hoặc vướng mắc cần ý kiến của Thủ tướng. Cái nào thua lỗ mà không khắc phục được thì cho giải thể, phá sản. Các doanh nghiệp đảm nhận công ích thì công khai minh bạch, chẳng hạn như ngành điện, có thể tách phần công ích ra.

Thủ tướng cũng đề nghị trong năm 2014 sẽ phải đóng cửa 4,5 triệu ha rừng tự nhiên, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí…Phải công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm của người quản lý tài sản, người quyết định đầu tư, sai phạm thì phải kiên quyết xử lý.

Riêng về tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng lưu ý tình trạng đi nước ngoài giao lưu, tham quan dù có giảm nhưng vẫn quá nhiều. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát việc này.

“Mới đây tôi đi họp có nghe nói có nước bạn phản ánh, họ nghe thấy đồng nghiệp Việt Nam đến là họ sợ rồi. Các đồng chí phải coi lại, cán bộ đi quá trời như thế này. Dù có giảm rồi nhưng năm 2013 vẫn còn 3.200 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài. Chúng ta phải hết sức cân nhắc mục đích và số lượng người đi. Cần thiết báo cáo ban bí thư để kiểm soát việc này”, Thủ tướng nói.

Trước đó, theo báo cáo của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong năm 2012, cả nước có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm 2013 là 3.200 đoàn. Như vậy, ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

"Ngoài vấn đề lãng phí ngân sách, một số đoàn công tác nước ngoài không hiệu quả và bị trùng lặp nội dung tham quan. Nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự", Phó thủ tướng cho biết.

Liên quan đến chi phí hội họp, tiếp khách, cũng tại phiên họp của Chính phủ ngày 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã phản ánh hiện tượng có quá nhiều đoàn công tác của các bộ, ngành, các đơn vị đến địa phương này công tác trong năm 2013, gây nên tình trạng lãng phí cho ngân sách.

"An Giang chúng tôi năm vừa qua tiếp 70 đoàn công tác, trong đó có nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán, trùng lặp nhau. Thậm chí, có đoàn vào tới 3 tháng hoặc hơn 1 tháng gây ra nhiều tốn kém trong đón tiếp, đi lại", ông Thạnh cho hay.

Theo Từ Nguyên

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên