MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Có thể cho tư nhân quản lý ga đường sắt”

14-01-2014 - 14:29 PM | Xã hội

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói về việc “mở cửa” cho tư nhân đầu tư vào ngành đường sắt.

Như một “pháo đài cố thủ”, ngành đường sắt vẫn ì ạch với mức độ chạy tàu giống như... 100 năm trước đây. Đó là vấn đề nhức nhối của Bộ Giao thông Vận tải. Vì thế, tái cơ cấu ngành đường sắt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

“Để phát triển cơ sở hạ tầng, chúng ta không thể lập tức thay đổi ngay được. Trước mắt, cần quyết liệt thay đổi trong phong cách phục vụ: từ quy trình bán vé, không để tình trạng phe vé lộng hành, đến công tác phục vụ trên tàu và phải xem xét việc kinh doanh trên các toa tàu”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Năm 2014, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành đường sắt sẽ là gì, thưa ông?


Chúng tôi sẽ tập trung vào các đầu mối lớn, triển khai cổ phần hóa các đơn vị đã ổn định về tổ chức trong năm 2014, 2015. Thoái vốn các doanh nghiệp mà ngành đường sắt đã tham gia trước kia nhưng chưa đúng với ngành nghề hoặc hoạt động chưa có hiệu quả.

Xin ông cho biết, trước mắt sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp đường sắt thuộc lĩnh vực nào?


Đầu tiên sẽ rà soát các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Hiện tại đang có 3 công ty vận tải đường sắt là công ty vận tải đường sắt phía Bắc, phía Nam và công ty vận tải hàng hóa. Dự kiến tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cơ cấu lại thành hai công ty vận tải hành khách và hàng hóa phía Bắc, công ty vận tải hành khách và hàng hóa phía Nam để rút gọn đầu mối, tăng tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, sẽ rà soát các doanh nghiệp bảo trì, tín hiệu ngành đường sắt để tạo sự hợp lý nhất trong quản lý. Sau đó tiến tới kêu gọi xã hội hóa, hướng tới nguồn vốn ngoài ngân sách cho bảo trì như là khai thác các tuyến đường sắt thí điểm kết hợp giữa nhà nước và tư nhân.

Việc “mở cửa” cho tư nhân đầu tư vào ngành đường sắt được coi là “luồng gió mới”. Xin ông cho biết, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội gì?


Đầu tiên có thể thí điểm cho tư nhân đầu tư tổ chức quản lý các ga đường sắt, rồi liên kết quản lý các toa hàng, kết nối vận tải, tăng cường năng lực và hiệu quả vận tải.

Một vài tuyến đường sắt có thể thí điểm khai thác nhượng quyền cho tư nhân đầu tư.

Về tầm nhìn dài hạn, vấn đề tái cơ cấu, tiến tới cải tiến cơ sở hạ tầng ngành đường sắt sẽ triển khai như thế nào?


Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ về Chiến lược ngành đường sắt 2020, định hướng 2050. Trong đó, đã đề cập những bước thay đổi của hệ thống đường sắt hiện hữu, đồng thời có phương án đầu tư các dự án đường sắt mới như: Hà Nội - Lào Cai, Yên Viên - Hải Phòng, Cát Cầu (đi Tp.HCM), các cầu trên tuyến Bắc - Nam...

Cùng với đó, sẽ có những thay đổi toàn diện, từ những việc nhỏ như bán vé, xây dựng cầu vượt cho người đi bộ tại ga Hà Nội, quản lý hoạt động các ga...

Hiện ngành đường sắt muốn tách bạch giữa việc bán vé và kinh doanh nhà ga, giống như ngành hàng không. Ý kiến của ông ra sao?

Đây là một mong muốn, tuy nhiên, muốn làm được cần phải có lộ trình, có thời gian. Bộ Giao thông Vận tải và ngành đường sắt đã có chủ trương: đầu tiên là phải cơ cấu lại hệ thống các đại lý, cơ sở bán vé. Thậm chí, tiến tới liên vận giữa đường sắt và đường bộ, sẵn sàng có kết nối nếu nơi nào đường sắt không đến được...

Tôi xin khẳng định, không thể thực hiện hết điều này trong năm 2014, mà phải trong nhiều năm tới. Đồng thời, cần ưu tiên thực hiện.

Trước ý kiến cho rằng, ngành đường sắt như “một pháo đài cố thủ” của sự ì ạch và thiếu gắn bó trong Bộ Giao thông Vận tải, ông đánh giá thế nào?


Tôi đã đề cập, không thể tách bạch Bộ Giao thông Vận tải và ngành đường sắt. Đường sắt ì ạch là trách nhiệm chung của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý điều hành. Vì thế, đổi mới ngành đường sắt là nhiệm vụ chiến lược của ngành ngay trong năm 2014.

Có ý kiến cho rằng, giá vé ngành đường sắt tuyến Bắc - Nam hiện đang quá cao?


Chúng tôi đang kiểm tra lại và sẽ có tính toán hợp lý, thay đổi theo các hướng đầu tư và nguồn lực cụ thể. Ý kiến nói rằng, do đường sắt chất lượng thấp mà chi phí lại quá cao là hơi phiến diện. Ngành sẽ tiến hành rà soát đầu vào như nguyên liệu, các khâu, công đoạn khác nhau... từ đó so sánh với các ngành vận tải khác, tăng sức cạnh tranh. Nếu làm không tốt, sẽ mất khách. Điều này cũng lý giải vì sao ngành đường sắt vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Theo Đinh Định

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên