MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15 tháng 3

13-03-2016 - 11:04 AM | Xã hội

Tối ngày 12 tháng 3 năm 2016, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3” trong không khí trang trọng và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Lễ công bố đã được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, do Bộ Công Thương chủ trì (Cục Quản lý cạnh tranh là đơn vị thực hiện) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam tiến hành tổ chức, với sự hỗ trợ của Tập đoàn TH True Milk, Tổng công ty dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone) và Công ty Cổ phần VCCorp.

Đến dự buổi lễ có Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, hội bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đại diện người tiêu dùng và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Mở đầu chương trình, Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã thay mặt Bộ Công Thương đọc Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Quyết định nêu rõ việc công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội về nền kinh tế đất nước; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký 10/7/2015.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ tới dự buổi lễ.

Trong bài phát biểu công bố và chỉ đạo triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong việc thực thi các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong những năm qua như: hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai rộng rãi, công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đã có bước chuyển biến tích cực; công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ngày càng triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan thẳng thắn thừa nhận rằng nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế; sự quan tâm của các chủ thể, cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ; hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ và đủ mạnh;...

Phó Thủ tướng đánh giá bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn và thách thức, trước những yêu cầu của thực tiễn, .. để có thể xây dựng một môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những đột phá và chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như toàn hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội.

Vì vậy, việc công nhận một ngày quyền của người tiêu dùng tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để đạt được các mục tiêu như đã đề ra trong Quyết định, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào một số định hướng sau đây:

- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được coi là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không chỉ tập trung vào một Bộ, ngành, cơ quan: các Bộ, ban, ngành tùy theo lĩnh vực, nhiệm vụ của mình cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

- Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: cần nghiên cứu và thống nhất về mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng trên phạm vi cả nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách, đổi mới cơ chế để có thể hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các tổ chức xã hội liên quan; các tổ chức xã hội cần chủ động và sáng tạo hơn nữa để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cần thiết.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường: các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.

- Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, xây dựng các mô hình, chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả mọi người dân, với tinh thần "Tất cả vì người tiêu dùng", hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một lần nữa khẳng định ý nghĩa của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đối với người tiêu dùng và sự phát triển của nền kinh tế.

Để phát động và kêu gọi các phong trào hưởng ứng nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2016, Bộ trưởng đã công bố Chủ đề của các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2016 là "Quyền được An toàn của người tiêu dùng".

Việc Bộ Công Thương lựa chọn và công bố chủ đề cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng năm nhằm đảm bảo tính thống nhất, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm trong quá trình thực hiện hoạt động trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định “Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau hành động; cùng nhau thực hiện các hoạt động, các chương trình nhằm hưởng ứng quyền được an toàn của người tiêu dùng".

Nhằm hưởng ứng các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2016, đại diện của UBND thành phố Hà Nội là Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã có bài phát biểu công bố các hoạt động hưởng ứng của địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2016 và sau sự kiện ngày hôm nay, thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng như tổ chức mitting, tuần hành, treo băng rôn khẩu hiệu, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề về quyền được an toàn của người tiêu dùng,...

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh thì tính đến nay đã có trên 50 trong tổng số 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện và hiện nay đang bắt đầu triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã có hướng dẫn tới các Sở Công Thương trên toàn quốc là các địa phương sẽ thực hiện các hoạt động hưởng ứng kể từ sau khi Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Buổi lễ công bố đã kết thúc thành công vào tối ngày 12/3/2016. Kể từ nay, người tiêu dùng Việt Nam đã có một Ngày riêng để khẳng định và thực hiện các hoạt động nâng cao vị thế của người tiêu dùng.

Cục Quản lý cạnh tranh sẽ luôn nỗ lực và đồng hành cùng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như niềm tin và kỳ vọng mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra trong lời kết của bài phát biểu chỉ đạo "Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, đánh giá cao và đặt nhiều niềm tin vào các cơ quan, tổ chức đang thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam”.

Theo PV

Trí thức trẻ/Sohanews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên