Công dân Việt Nam chưa được bỏ phiếu bầu cử ngoài lãnh thổ
Vì những lý do kỹ thuật bầu cử nên trong giai đoạn trước mắt chưa thể bảo đảm tổ chức việc bỏ phiếu bầu cử ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
- 21-05-20154 trường hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm
- 25-02-2015“Tự vận động bầu cử, khó đảm bảo công bằng”
- 24-01-2015Người dân có thể bầu cử trực tiếp Chủ tịch xã, phường?
Sáng nay (25/6), đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) gồm 10 chương, 98 điều, với 90,89% ý kiến tán thành trên tổng số đại biểu có mặt.
Công dân phải bỏ phiếu bầu cử ở Việt Nam
Về ý kiến tiếp tục đề nghị quy định cách thức để cử tri là công dân Việt Nam cư trú, làm việc ở nước ngoài thực hiện quyền bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Luật hiện hành cũng như các quy định trong dự thảo Luật này không hạn chế quyền bầu cử cũng như quyền ứng cử của công dân Việt Nam là người cư trú, làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vì những lý do chưa thể xử lý được về kỹ thuật bầu cử nên trong giai đoạn trước mắt chưa thể bảo đảm tổ chức việc bỏ phiếu bầu cử ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bởi vậy, để thực hiện quyền bầu cử, công dân Việt Nam cần thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật.
Theo đó, công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).
Dự kiến đại biểu nữ ít nhất 35%, người dân tộc thiểu số ít nhất 18%
Luật quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;
Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.
Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.
Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Số lượng giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như cấp xã bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;
Thời gian bỏ phiếu từ 7h-19h
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng xác định thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 19h cùng ngày.
Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.
Luật cũng quy định về việc lập danh sách cử tri đối với người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc tại khoản 5 Điều 29; việc xóa tên cử tri là người bị tạm giam, người chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc trong danh sách cử tri tại nơi có trại tạm giam, cơ sở cai nghiện bắt buộc, giáo dục bắt buộc trong trường hợp đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà người đó được trả tự do, hết thời gian cai nghiện bắt buộc, giáo dục bắt buộc để bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi cư trú (khoản 4 Điều 30).
Điều 89 của Luật cũng quy định việc bầu cử bổ sung đại biểu HĐND chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng./.