MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cử tri “đặt hàng” nhiều vấn đề cấp thiết

22-03-2016 - 00:42 AM | Xã hội

Kỳ họp Quốc hội thứ 11 khóa XIII diễn ra từ ngày 21-3 đến 12-4 tại Hà Nội sẽ quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của nhà nước

Phát biểu khai mạc kỳ họp vào sáng 21-3, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho biết 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020; năm QH khóa XIII và các cơ quan tổ chức trong bộ máy nhà nước hoàn thành nhiệm kỳ hoạt động; năm tổ chức bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Lãnh đạo chủ chốt sẽ tuyên thệ

Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, như: Quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của nhà nước; xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11; báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Theo chương trình kỳ họp, ngày 30-3, QH sẽ thảo luận, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Cùng ngày, QH tiến hành các bước miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. QH cũng sẽ miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH, một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm một số ủy ban của QH, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng như bầu nhân sự thay thế các chức danh này.

Đến ngày 6-4, Chủ tịch nước sẽ trình QH miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và QH sẽ bầu Thủ tướng mới. QH cũng bỏ phiếu kín miễn nhiệm và bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao trên cơ sở tờ trình của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ trình QH phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số phó thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Cuối kỳ họp, QH sẽ thảo luận và phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; một số phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh cũng như phê chuẩn thành viên thay thế.

Đáng chú ý, theo quy định mới nhất của Nội quy kỳ họp QH, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH và Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

Cần giải pháp quyết liệt bảo vệ chủ quyền

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Theo đó, cử tri và nhân dân quan tâm, mong muốn cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ lựa chọn những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, tâm huyết với đất nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; đồng thời làm sao để tổ chức cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân. Các hành động này làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

“Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân” - ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công Thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Cử tri còn bức xúc nhiều vụ việc xây dựng không phép, trái phép và công tác quản lý yếu kém, có nhiều dấu hiệu tiêu cực; việc xác định trách nhiệm không rõ, xử lý không kiên quyết...

Chưa phân công nhiệm vụ 11 Ủy viên Bộ Chính trị

Theo danh sách 19 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được phân công công tác sau Đại hội XII, ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, đã có 7 người nhận trọng trách mới.

11 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại sẽ có người được giới thiệu ứng cử 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH tại kỳ họp QH thứ 11 cũng như chờ phân công nhiệm vụ. Đó là: ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng), ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), bà Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch QH), ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), ông Ngô Xuân Lịch (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Tô Lâm (Thứ trưởng Bộ Công an), ông Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Kinh tế trung ương), ông Nguyễn Văn Bình (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và ông Trương Hòa Bình (Chánh án TAND Tối cao).

Theo Văn Duẩn

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên