MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cước vận tải hết đường cố thủ

21-02-2016 - 22:19 PM | Xã hội

Sau khi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đốc thúc, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch giảm cước vận tải. Song, so với việc giá xăng giảm kỷ lục, mức giảm cước này chẳng thấm vào đâu

Ngay sau khi xăng A92 giảm còn 13.752 đồng/lít từ hôm 18-2, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo các sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính tiếp tục tăng cường quản lý cước vận tải. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải.

Cước taxi giảm sát Uber, Grab?

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết khoảng 1-2 tuần tới, các doanh nghiệp (DN) taxi ở thủ đô sẽ đồng loạt giảm giá, có thể từ 300 đến 500 đồng/km. DN chưa thể điều chỉnh giá ngay tức khắc vì phải trải qua nhiều khâu như làm thủ tục đăng ký giảm cước; sau khi được chấp thuận thì phải in lại toàn bộ giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định…

“Mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN cũng phải chịu tổn thất lớn. Không những chịu thiệt thòi khi mỗi lần điều chỉnh giá cước mà giai đoạn trong Tết Nguyên đán 2016, để bảo đảm mức giá ổn định, chúng tôi luôn bình ổn giá cước. Trong khi đó, nhiều đơn vị trong nhóm taxi kiểu mới như Uber, Grab Taxi lại tăng cước 30%-40%” - ông Bình so sánh.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thiên Phong (Taxi Thành Công) - ông Nguyễn Anh Quân - cho hay cước taxi của hãng sẽ giảm khoảng 500 đồng/km, còn 10.500 đồng/km. Do phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thông báo giảm cước và phải được Sở Tài chính cũng như Sở GTVT thông qua nên từ đầu tháng 3-2016, DN này mới có thể giảm giá đi taxi. “DN không thể chạy theo sự tăng giảm quá ngắn (15 ngày) của giá xăng dầu vì còn liên quan đến thủ tục, đến chi phí để in ấn, kẹp chì lại đồng hồ...” - ông Quân bày tỏ.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Taxi TP HCM, trong sáng nay, 22-2, hiệp hội sẽ trình Sở Tài chính TP phương án giảm cước taxi. Dự kiến trong tuần này, cước taxi ở TP HCM sẽ bắt đầu giảm.

Giám đốc một hãng taxi (xin giấu tên) cho biết đợt này, giá cước chắc chắn sẽ giảm sâu, dự kiến 500 đồng/km. Theo vị này, do DN của ông không có nhiều xe, thương hiệu không mạnh nên lúc nào cước cũng thấp hơn so với các hãng lớn. Nếu tiếp tục giảm, DN của ông sẽ cạnh tranh được giá cước của taxi Uber và Grab Taxi.

“Giá cước của Grab Taxi đã là 11.700 đồng/km, giờ cao điểm lên tới 14.700 đồng/km; Uber lên đến 11.499 đồng/km nhưng khi giờ cao điểm, giá cước tự nhảy lên, nhân 1,5; thậm chí 4 lần. Sau đợt giảm này, mức cước của chúng tôi đã thấp hơn các hãng taxi đó. Có thể thời gian tới, nếu đi Uber vào giờ cao điểm, giá có thể cao hơn hãng taxi truyền thống gần 2 lần” - ông nói.

Theo vị giám đốc nêu trên, mỗi lần điều chỉnh cước taxi, trung bình mỗi xe phải tốn 500.000-600.000 đồng để điều chỉnh đồng hồ, kiểm định; chưa kể taxi mất một ngày công, dẫn đến thua lỗ. Trong khi đó, Uber và Grab Taxi không tốn một xu, cũng chẳng thay đổi cước vận tải mà vẫn hoạt động bình thường.

Mức giảm vẫn cầm chừng, nhỏ giọt

Trước thông tin các hãng taxi tại Hà Nội chỉ giảm cước nhỏ giọt 300-500 đồng/km, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng điều này không thể chấp nhận được. Theo ông, các hãng phải giảm cước từ 2.000-3.000 đồng/km mới phù hợp với mức giảm mạnh của giá xăng.

“Chúng tôi dứt khoát yêu cầu các bộ, ngành, các DN đưa ra những phương án giảm giá cước. Chắc chắn sáng 22-2, trong cuộc gặp mặt đầu năm với lãnh đạo Bộ GTVT, chúng tôi sẽ đưa nghị quyết, trong đó nêu rõ nếu giá xăng giảm dưới 15.000 đồng, các hãng taxi phải giảm cước và quan điểm là phải giảm mạnh” - ông Liên khẳng định.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng không thể chần chừ trong việc giảm cước taxi. Nếu các hãng không giảm cước, cơ quan thuế cần tiến hành thanh tra xem họ làm ăn thế nào để truy thu.

“Trong thời gian qua, chúng ta đã sử dụng nhiều hình thức đôn đốc, nhắc nhở các DN giảm cước nhưng có vẻ họ đang “lờn”. Vì vậy, đã đến lúc các DN taxi cần chơi theo cuộc chơi của thị trường và lắng nghe ý kiến phản ứng của người tiêu dùng cũng như dư luận” - ông Liên nhấn mạnh.

Theo ông Liên, hiện cước taxi tại Hà Nội đang ở mức 11.000-12.000 đồng/km (cước mở cửa). Mức giá này khá đắt. Trong khi xăng dầu đã giảm giá mạnh như hiện nay, mức cước taxi hợp lý cần hạ xuống là 9.500-10.000 đồng/km. Đó là đối với xe bình thường, còn với những hãng taxi dùng xe cũ nát thì cước chỉ 7.000-8.000 đồng/km vẫn được coi là đắt.

Xe đường dài “một cổ hai tròng”

Ngày 21-2, ông Đặng Ngọc Vân, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT Phú Yên, cho biết hiện tỉnh này chưa có văn bản yêu cầu các DN vận tải giảm giá cước. Theo ông, vì xăng chỉ mới giảm sâu gần đây, trong khi DN đang bận rộn giải quyết xe Tết để đưa sinh viên vào Nam nên chưa kịp ra văn bản.

Tuy nhiên, một số DN, nhà xe ở Phú Yên đã chủ động giảm cước vận tải khi giá xăng dầu giảm sâu. Ông Bạch Ngọc Chung, người điều hành xe khách Thuận Thảo chi nhánh tại Tuy Hòa, cho hay nhà xe vừa có công văn xin giảm giá vé tuyến TP Tuy Hòa - TP HCM từ 260.000 đồng/lượt/người xuống còn 235.000 đồng. “Phí đường bộ tăng đã làm chi phí của các DN đội lên rất nhiều nên chúng tôi chỉ có thể giảm giá vé chừng đó” - ông Chung giải thích.

Nhiều DN, nhà xe cho rằng họ buộc phải giảm giá cước khi Sở GTVT yêu cầu. Tuy nhiên, phí qua trạm tăng cao đang đẩy nhiều DN vận tải vào chỗ khó. “Nếu đi xe 16 chỗ ngồi từ TP Tuy Hòa vào TP HCM qua đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Dây thì riêng tiền phí cả đi lẫn về đã 700.000 đồng, gần bằng cả tiền xăng dầu. Còn nếu đi Quốc lộ 1 thì phí còn cao hơn” - ông Nguyễn Diễn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Vận tải khách du lịch Yên Phú, băn khoăn.

Ông Trần Văn Quốc - chủ 3 xe khách (loại 16 chỗ ngồi) ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - cũng than vãn về chuyện phí đường bộ tăng cao, nếu giờ phải giảm cước vận tải thì rất khó khăn. Nếu trước đây, mỗi chuyến xe của ông chạy từ TP Tuy Hòa ra Hà Nội rồi về, phí qua trạm chưa đến 400.000 đồng thì nay đã tăng lên 1,2 triệu đồng.

Tại Khánh Hòa, theo các DN vận tải, hiện vẫn chưa nhận được văn bản yêu cầu giảm giá cước. Đại điện Công ty Vận tải Phương Nam tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khẳng định nếu Sở GTVT yêu cầu thì buộc lòng DN cũng phải giảm cước nhưng không tránh khỏi khó khăn. Bởi lẽ, phí qua trạm từ TP Nha Trang đi TP HCM và ngược lại từ mức chưa đến 400.000 đồng nay đã lên hơn 1 triệu đồng - phải qua 7 trạm thu với mức phí lên đến 75.000 đồng/lượt/xe (loại 45 chỗ ngồi).

Trong khi đó, đến ngày 21-2, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết vẫn chưa tính toán chuyện giảm giá cước. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP HCM, các DN trong hiệp hội vẫn còn nghỉ Tết. Đầu năm, nhiều DN vẫn chưa có hàng hóa để vận chuyển.

Ông Quản cho biết cước vận tải hàng hóa là do DN tự đàm phán với nhau chứ không có giá quy định. Giá cước của ngành vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Đơn vị nào báo giá thấp thì khách hàng thuê và làm ăn được, không cần có sự quản lý của chính quyền.

“Mức cước mà các hãng taxi niêm yết hiện nay là quá thiệt thòi cho người tiêu dùng. Vì vậy, dứt khoát phải giảm giá mạnh. Cơ quan quản lý phải làm kiên quyết” - ông Bùi Danh Liên đề nghị.

 

TP HCM: Sẽ thanh tra cước vận tải

Bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh - Phó Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM - cho biết trong tuần này, đoàn thanh tra sẽ đi kiểm tra giá cước vận tải của các DN hoạt động tại TP. Trước đó, hôm 19-2, đã có gần 70 DN trình lên Sở Tài chính bảng kê khai giảm cước với mức dao động từ 3% đến 5%.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, trong đợt giảm giá xăng dầu hôm 3-2, các hãng xe khách đường dài đã điều chỉnh giá vé giảm 2%-3%. Vì thế, đợt này, các hãng sẽ không điều chỉnh.

 

Cần có khung giá

Ông Võ Ngọc Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, cho biết sở sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT có khung giá để các tỉnh, thành căn cứ, giảm cước hợp lý. Cụ thể, xăng dầu giảm bao nhiêu thì sau mấy ngày, các DN phải giảm cước mức nào; xăng dầu tăng bao nhiêu thì DN được phép tăng giá cước... Bộ Tài chính phải tính được giá nhiên liệu chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá cước. Từ đó, nếu xăng dầu giảm giá thì sẽ căn cứ vào khung ấy để giảm cước.

Theo ông Kha, khi giảm cước vận tải thì giảm đều cả nước cho hợp lý, không thể tỉnh này giảm nhiều, tỉnh kia giảm ít, tỉnh này giảm trước, tỉnh kia giảm sau. Trước mắt, Sở GTVT Phú Yên sẽ yêu cầu các DN vận tải làm tờ trình, trong đó tính ra phí đường bộ khi tăng lên thì chiếm bao nhiêu trong giá cước, xăng dầu chiếm bao nhiêu, đề nghị giảm cước bao nhiêu là vừa để dựa vào đó yêu cầu DN giảm giá cước.

Theo Văn Duẩn-Hồng Ánh-Lê Phong

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên