MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu quan chức đường sắt bật khóc nói lời sau cùng

27-10-2015 - 13:49 PM | Xã hội

Sáng nay (27.10), khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, hai bị cáo Bằng và Duy đã bật khóc nói về khoảng thời gian phấn đấu và gia đình, đồng thời xin HĐXX xem xét công minh.

Sáng nay, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử 6 cựu quan chức đường sắt lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để thỏa thuận nhận 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ đối tác Nhật Bản.

Đứng trước vành móng ngựa nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt - RPMU) bật khóc khi nhắc tới quá trình phấn đấu và gia đình.

Bằng cho rằng, bị cáo và tổ dự án chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà không biết mình phạm tội. Vừa khóc, Bằng vừa quay xuống nhìn các bị cáo từng là đồng nghiệp đang ngồi sau lưng mình.

“Trong 20 năm làm việc, bị cáo luôn làm việc cao nhất có thể. Hành vi bị cáo chỉ là nỗ lực để hoàn thành dự án, hoàn thành công việc. Chỉ một bước đi mà công sức 20 năm phấn đấu của bị cáo đổ xuống sông. Hành vi của bị cáo xuất phát từ tâm lý cùng ban tư vấn để hoàn thành nhiệm vụ, nên đề nghị HĐXX xem xét”, bị cáo Bằng khóc nói lời sau cùng.

Như bị cáo Bằng, bị cáo Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó giám đốc RPMU) cũng bật khóc khi nói lời sau cùng.

Bị cáo Duy bật khóc trước vành móng ngựa.

Bị cáo Duy thừa nhận việc để xảy ra vụ việc một phần lỗi do bị cáo. Bị cáo quản lý tiền mà không theo chế độ tài chính cũng như nguồn gốc tiền.

“Bị cáo sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân cũng cố gắng trong công tác được giao. Bị cáo không chỉ nghĩ cho thân mình, mà còn nghĩ cho thế hệ mai sau. Vợ bị cáo không có công ăn việc làm, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Chỉ vì thời gian suy nghĩ còn nông nổi, chưa sâu, hiểu biết pháp luật hạn chế mà dẫn tới hậu quả lớn, đau xót hôm nay. Bị cáo kính xin toà xem xét”, bị cáo Duy vừa khóc vừa nói.

Các bị cáo: Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3, RPMU); Trần Văn Lục (SN 1958) và Nguyễn Văn Hiếu (cùng nguyên là Giám đốc RPMU) đều xin HĐXX xem xét công minh, giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, trong phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho các thân chủ của mình.

Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, trong vụ án này không có nguyên đơn dân sự, Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) không có yêu cầu thu hồi số tiền đã mất, không yêu cầu xử lý các bị cáo thì không nên xử lý các bị cáo về mặt hình sự. Khi các bị cáo Bằng, Duy, Thái nhận tiền từ JTC, bị cáo Lục đã chuyển công tác, không thể chỉ đạo các bị cáo.

Luật sư bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Nam Thái thì đề nghị Viện Kiểm sát nêu rõ hành vi các bị cáo ảnh hưởng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là như thế nào? Vị luật sư này còn cho rằng, tiền các bị cáo nhận được không phải tiền lấy trong dự án, không phải tiền ngân sách Nhà nước, cũng không phải tiền vốn ODA, mà là tiền của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo Thái không phạm tội.

Luật sư Hoàng Minh Được (bảo vệ cho bị cáo Phạm Hải Bằng) thì cho rằng vụ án này không có bị hại, vì vậy không thể xác định trách nhiệm bồi thường đối với các bị cáo.

Đáp lại quan điểm của luật sư về việc số tiền 11 tỷ đồng là tiền của doanh nghiệp, không phải là tiền của Nhà nước Việt Nam, tiền của Chính phủ Nhật Bản, do vậy việc sử dụng nguồn tiền của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, số tiền 11 tỷ đồng là bất hợp pháp.

Theo dẫn chứng của kiểm sát viên, quy chế của RPMU và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì nguồn hỗ trợ từ tổng công ty. Số tiền 11 tỷ đồng này bị phát hiện thông qua kiểm tra, kiểm toán của Chính phủ Nhật Bản. Cơ quan chức năng Nhật Bản xác nhận khoản tiền này là chi trái pháp luật. Do vậy, việc nhận tiền hỗ trợ 11 tỷ đồng của các cựu lãnh đạo RPMU và thuộc cấp là không hợp pháp.

Đối với quan điểm của luật sư bào chữa cho Trần Văn Lục, Nguyễn Văn Hiếu, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, trước khi ký hợp đồng giữa JTC và RPMU, Phạm Hải Bằng đã thông báo có khoản hỗ trợ của nhà thầu. Việc nhận tiền là trái pháp luật, trong đó, bị cáo Duy nhận 3 triệu Yên Nhật. Sau khi chuyển công tác, Lục vẫn nhận 100 triệu đồng từ khoản hỗ trợ. "Thực tế không có khoản tiền nào để các cá nhân nhận được tiền ngoài nguồn JTC hỗ trợ".

Với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu được xác định đã ký hợp đồng tăng giá trị so với thời điểm ký ban đầu. Bị cáo đã ký giải ngân cho nhà thầu JTC. Trong thời gian làm Giám đốc RPMU, bị cáo Hiếu biết về việc Bằng nhận số tiền và được hưởng lợi 50 triệu đồng. Như vậy, hành vi của bị cáo là trái công vụ.

Về quan điểm của luật sư cho rằng các bị cáo không thuộc điều chỉnh của tội liên quan đến chức vụ, đại diện Viện Kiểm sát đối đáp rằng, RPMU có tài khoản riêng, con dấu riêng, có tư cách pháp nhân…, các bị cáo thuộc đối tượng điều chỉnh của tội lợi dụng chức vụ. Các bị cáo chịu sự điều chỉnh của Luật Công chức.

Đến 10h30 sáng nay, HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa để nghị án.

Trước đó, trong phần luận tội đưa ra ở ngày xét xử hôm qua (26.10), đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, đồng thời đề nghị tuyên phạt các bị cáo mức án từ 6 đến 13 năm tù.

Theo cáo trạng, tháng 10.2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý Dự án Tuyến số 01 cho RPMU.

Đến tháng 9.2009, ông Phạm Hải Bằng với vai trò Chủ nhiệm Dự án đường sắt đô thị Tuyến số 1 (giai đoạn I) đã đại diện Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số đối tác khác.

Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, ông Bằng đã đề cập tới một số khó khăn về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC. Phía JTC sau đó đồng ý hỗ trợ.

Sau khi có thỏa thuận trên, bị can Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện. Từ tháng 9.2009 đến tháng 2.2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỷ đồng (69,9 triệu yên Nhật) cho ông Bằng, Thái, Nam.

Toàn bộ số tiền này đã được các bị can sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát… trong đó bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng.

Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả.

 

 

Theo Xuân Lực

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên