Đà Nẵng dọa kiện: Bộ tái khẳng định đúng quy trình
Trước việc Đà Nẵng lên tiếng về quy trình xả lũ mùa cạn khi góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy khẳng định: việc xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình này tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Đúng Luật nhưng trả lại dòng thiếu
Theo đó, ông Bảy cho rằng các vấn đề về xả nước của thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có.
Điều này thật trái với những gì mà địa phương – nơi phải hứng chịu quy địnhđã lên tiếng suốt thời gian qua.
Cụ thể phân tích của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng cho thấy, dự thảo quy trình đã khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Nghĩa là mỗi năm lấy 1 tháng có dòng chảy trung bình thấp nhất, bất kể rơi vào tháng nào (có thể tháng 3, 6 hay 7).
Tư khi có thủy điện, dòng Vu Gia thường trơ đáy vào mùa cạn |
“Đây cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng”, ông Thắng phân tích.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ TN-MT phải điều chỉnh bản dự thảo quy trình từ “mốc 2,53m” lên “mốc 2,80m”. Ngay như các trạm bơm thủy lợi hiện có ở Ái Nghĩa cũng đang đặt tại mực nước bể hút là 2,80m. Thấp hơn 2,80m thì các trạm bơm này đều phải ngừng hoạt động vì không đủ nước. Vậy tại sao dự thảo quy trình xả lũ lại khống chế ở mực nước 2,53m? Điều này cho thấy họ chỉ vì lợi ích của thủy điện mà thôi”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, nếu Bộ TN-MT đồng ý với việc lấy mốc 2,80m tại Ái Nghĩa để làm cơ sở vận hành liên hồ chứa thì qua tính toán cho thấy trên thực tế thủy điện Đăk Mi 4 cũng chỉ mới trả lại 40% nước (450 triệu m3) trong số 1,3 tỉ m3 nước mà thủy điện này lấy đi trong mùa khô. Còn nếu lấy mốc 2,53 (đúng như dự thảo) thì lượng nước được trả về hạ lưu chỉ đạt chừng 10%.
Như vậy trước phân tích này cho thấy, nếu quy trình được xây dựng đúng Luật thì có nghĩa Luật đang mang lại hiểm họa cho dân, hại dân. Rõ ràng nếu không có thủy điện lượng nước của dòng sông được duy trì ở mức khác, nay thủy điện đã ngăn dòng, trả về ít nhưng lại vẫn được xem là đúng luật?
Nói như ông Thắng thì giải thích này khiến người ta hiểu có cái gì đó phía sau.
Mùa lũ dân điêu đứng vì lũ xả trên đầu
Mùa cạn thì người dân hạ du khu vực thủy điện khốn khổ vì thiếu nước. Còn vào mùa lũ thì lại điêu đứng vì lũ xả lên đầu.
Tại miền Trung, chỉ tính trong ngày 16/11/2013, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết đã có 15 thủy điện trong khu vực đồng loạt xả lũ, làm 30 người chết.
Trong số này thì Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại khá lớn do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ bất ngờ.
Cũng chỉ trong tháng 11/2013, lũ lụt đã gây thiệt hại khá nặng cho tỉnh Quảng Nam với 5 người bị chết; 77.742 ngôi nhà bị ngập; 150 ha lúa vụ đông và 1.045,7ha rau màu bị ngập úng; 935 con gia súc và 23.750 con gia cầm bị lũ cuốn trôi. Hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc bị lũ cuốn trôi và thất thoát 27 tấn cá lồng bè; các kênh, bể hút bị sạt lở, bồi lấp 90.690m3…Tổng thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Sau lũ, nhiều cử tri Quảng Nam kiến nghị các nhà máy thủy điện phải chịu trách nhiệm bồi thường, đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
Thế nhưng sau đó, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ: “Việc xem xét trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt là chưa có cơ sở việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở Quảng Nam đã thực hiện đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (hồ A Vương, Sông Tranh 2 và hồ Đăk Mi 4) và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm định lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ”.
Tuy nhiên theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, có một điểm mà trong quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ có thực hiện đúng thì người dân hạ du cũng “hứng đủ” lũ.
Đó là quy trình vận hành hồ chứa mùa lũ quy định dự báo xả lũ trong 24h thế nhưng ông Thắng cho rằng chỉ là ép vào chứ không thể thực hiện được vì quá vô lý. Lý do là vì nó chỉ được thực hiện được ở hồ thủy điện lớn như sông Đà, Sơn La vì khả năng dự báo có thể kéo dài được 24h thì dự báo hoàn toàn chính xác.
Còn thủy điện miền Trung lại nằm ngay trên thượng nguồn, sông lại gấp nên không thể dự báo trong 24h được. Khi lũ lớn đến thì hạ hồ nước tạo dung tích để lũ đến cắt bớt đỉnh lũ. Nhưng như trận bão hồi tháng 11/2013 thì chỉ có 6 tiếng đồng hồ đã gây lũ. Nhưng thực ra sau 2 tiếng đồng hồ đỉnh lũ đã xuất hiện.
“Như vậy thì không ai thực hiện được theo như quy trình. Khi đó người ta chỉ biết đỉnh lũ đến là thủy điện xả lũ để đón đỉnh lũ nhưng cũng không kịp vì chỉ sau 2 tiếng đỉnh lũ đã về, kết hợp với cả lũ nhân tạo từ thủy điện xả ra. Như vậy thì không có cách gì để gọi là thủy điện tham gia cắt lũ mà là xả lũ chồng lũ thì đúng hơn”, ông Thắng nêu.
Hứa cho xong chuyện
Câu chuyện tranh chấp nguồn nước mùa cạn, xả nước mùa lũ đã được bàn tới nhiều bởi đa số các chủ đầu tư chỉ hứa khi đang xin dự án rằng: sẽ trả đủ nước mùa cạn, cắt lũ mùa lũ, đảm bảo hài hòa môi trường tự nhiên…
Thế nhưng thực tế này được chính TS Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói rõ: việc điều tiết dòng chảy được tính toán rất kỹ và nêu rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
“Vấn đề là các chủ dự án có thực hiện đúng quy định hay không. Thực tế không phải chủ dự án nào cũng thực hiện nghiêm túc việc đó, nên dẫn tới chuyện tích nước mùa hè và xả lũ về mùa đông”, TS Sơn thừa nhận.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư kýỦy ban sông Mekong Việt Nam cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Theo TS Tứ, khi mới hình thành dự án, chủ đầu tư nào cũng nói rất hay về tính năng của thủy điện, đảm bảo hài hòa mùa cạn, ngăn lũ mùa lũ. Nhưng rồi khi vào thực tế chẳng mấy ai làm đúng lời hứa như ban đầu.
"Một thủy điện đa mục tiêu, được điều hành thận trọng, đúng quy trình sẽ giảm tác động của lũ lụt cho hạ du, trả đủ nước khi mùa cạn. Thế nhưng có lẽ chỉ dân ở đồng bằng sông Hồng, từ khi có thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà và rồi mới đây Tuyên Quang, Sơn La... nhiều năm naymới không phảilo về mùa lũ dữ. Còn hiện nay phần lớn các công trình ở các hệ thống sông khác là công trình đơn mục tiêu, tức chỉ có nhiệm vụ chính là phát điện hoặc tưới, hoặc kết hợp", TS Tứ buồn bã.
Việc các nhà máy thủy điện không chấp hành đúng quy trình đã đành, đằng này ngay từ khi xây dựng quy trình, các thông số đưa ra đã khiến địa phương phát sốt bởi đã nhìn thấy “cái chết” nhỡn tiền.
Như vậy thì về sau, nếu quy trình được thông qua, tức là sẽ hại dân, hại môi trường. Khi đó liệu việc “đúng luật” có còn được chấp nhận?
Theo Bích Ngọc