Đại biểu HĐND Hà Nội bức xúc vì nợ đọng xây dựng cơ bản tăng nhanh
Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2013 lên tới hơn 3.700 tỉ đồng đã trở thành vấn đề nóng trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sáng 5.12.
Trả lời chất vấn về số nợ đọng xây dựng cơ bản nói trên, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có các nguyên nhân như chủ đầu tư triển khai công trình dự án khi chưa được phân bổ vốn, bố trí vốn dàn trải tại nhiều công trình, năng lực các chủ đầu tư còn hạn chế… Trách nhiệm dẫn đến tình trạng này được ông Quý chỉ rõlà chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư và bộ phận tham mưu.
“Về giải pháp chúng tôi đã xác định phải rà soát, thay đổi lại việc bố trí vốn, tuân thủ nghiêm các quy định về thẩm định công trình dự án và nguồn vốn, không tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa bố trí được vốn... tất cả phải làm quyết liệt để xóa được nợ đọng đến 2015”, ông Quý cho biết.
Chưa đồng tình với các lý giải trên, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ, tại sao đến hết năm 2012, nợ đọng xây dựng cơ bản chưa đầy 1.000 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 đã lên tới trên 3.000 tỉ đồng, dù các kỳ họp HĐND đã nhiều lần cảnh báo. “Phải chăng có sự chủ quan trong chỉ đạo và chạy theo thành tích”, đại biểu đặt câu hỏi.
Theo ông Ngô Văn Quý, trước đây chỉ thống kê con số nợ với công trình dự án đã hoàn thành, nay đã bổ sung thêm các dự án đang dở dang và số nợ đọng tại các huyện nên có con số tăng nhanh nói trên.
Theo ông Quý, trong năm UBND thành phố đã ban hành 1 quyết định, 5 văn bản chỉ đạo cùng nhiều văn bản phê bình các địa phương có số nợ đọng cao.
Đối với tình trạng chưa có vốn đã khởi công, ông Quý chỉ rõ tập trung chủ yếu là ở huyện Đan Phượng với 38 dự án, còn lại huyện Phúc Thọ. Hiện các đơn vị này đã tiến hành kiểm điểmtrách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Trung Hai (huyện Mỹ Đức) và nhiều đại biểu khác đề nghị, trong các nguyên nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản đều bắt nguồn từ chủ quan, tức là về con người, trong khi đó năm 2013 đã được thành phố xác định là năm kỷ cương trách nhiệm. “Trách nhiệm cụ thể là ai, chế tài ra sao?”, ông Hai nêu.
Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Văn Quý thừa nhận cho đến nay chỉ mới xử lý trách nhiệm bằng hình thức… phê bình. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm và làm rõ vi phạm, lồng ghép với tinh thần năm kỷ cương trách nhiệm.
Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh - Ảnh: Hoàng Trang |
Trả lời chất vấn về việc có hay không tình trạng để đất đai hoang hóa, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh thẳng thắn, ngắn gọn: “Tình trạng này là có và đạt đến trình độ người dân rất bức xúc”.
Theo ông Khanh, thời gian gần đây dù thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng đất công trong đó đất nông, lâm nghiệp rất phức tạp.
Các đợt rà soát cho thấy, tại huyện Sóc Sơn có 158 hộ lấn chiếm 70 ha, tại huyện Mê Linh chỉ vài chục hộ nhưng lấn chiếm tới trên 200 ha. Theo ông Khanh, các vi phạm chủ yếu xảy ra từ giai đoạn trước đây khi luật Đất đai chưa sửa đổi.
Theo Thái Sơn