Đại biểu Quốc hội: Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Một trong các giải pháp là tăng tổng cầu; cải cách thủ tục hành chính, tăng đầu tư công…
Hôm nay (2/6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trườngthảo luậnvề đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu.
Về việc phát triển kinh tế hiện nay, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng:Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là làm sao khai thông được tổng cầu. Nếu không khai thông được tổng cầu thì chúng ta không tạo đà phục hồi được. Muốn khai thông tổng cầu phải phân loại các doanh nghiệp. “Tôi đề nghị cần tập trung cho các doanh nghiệp đang có khả năng phục hồi nhưng tiếp cận vốn khó khăn do vướng nợ đọng có thể tiếp cận được tín dụng. Mục tiêu năm nay phải tăng tín dụng 12-14%, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,56%. Điều này cho thấy thị trường không hấp thụ được vốn. Thứ hai, ở khu vực đầu tư công, phải làm sao thay đổi về thủ tục để giải ngân được tiền” – ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Còn theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), cần sớm khắc phục các tồn tại, trong đó có tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng bình quân mỗi năm trên 50.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang khó khăn trên nhiều lĩnh vực như chi phí sản xuất vẫn tăng trong khi sức mua không tăng nên doanh nghiệp khó phát triển, bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê...
Nhiều đại biểu quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực của nền kinh tế nhưng nhiều đại biểu cho rằng mô hình tăng trưởng chưa có thay đổi mạnh mẽ, thể hiện bằng cách tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2014 tăng 14,1% nhưng chủ yếu là gia tăng ở nhóm các sản phẩm gia công. Ngoài ra, theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu 1,7 tỷ USD nhưng trong đó 1,1 tỷ USD là của doanh nghiệp FDI, còn lại là của các doanh nghiệp trong nước. Đây là thực tế đáng lo ngại.
Kinh tế có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tận dụng tốt đà phục hồi này để kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Kết thúc năm 2013, các mục tiêu mà Quốc hội đề ra đều tăng so với dự kiến ban đầu. Còn 4 tháng đầu năm 2014, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những tín hiệu khả quan. Lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được nhịp độ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn khó khăn mới như nền kinh tế dù có tăng trưởng nhưng chưa tạo được đột phá. Tuy đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng nhưng những tồn tại về thể chế, về quy định giải quyết vướng mắc vẫn còn chậm...
Về chi ngân sách nhà nước, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình đạt 96,4% dự toán, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7% dự toán, chi sự nghiệp kinh tế đạt 97,1% dự toán, chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88% dự toán. Đây là các khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán và đã được Quốc hội thường xuyên đề cập trong các kỳ họp.
Chi đầu tư XDCB còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều.
Nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành còn lớn, trong đó có nhiều bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng trên 1.000 tỷ đồng, cùng khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước.
Các sai phạm vẫn xảy ra trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn yếu kém, gây thất thoát, lãng phí NSNN./.