Đại biểu Quốc hội ủng hộ quyết định rút đăng cai ASIAD
Ngày 17/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định Việt Nam xin rút đăng cai Asian Games lần thứ 18 (ASIAD 18). Quyết định này lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dư luận, trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội.
- 18-04-2014ASIAD 18: Khả năng Indonesia sẽ thay Việt Nam
- 18-04-2014150 triệu USD tổ chức ASIAD 18 là con số phi thực tế
- 18-04-2014GS. Nguyễn Minh Thuyết: “Rút đăng cai ASIAD 18 là đúng!”
- 17-04-2014Thủ tướng chỉ đạo rút việc đăng cai ASIAD 18 tại Hà Nội
Ông Đỗ Mạnh Hùng. |
Ngay từ tháng 11/2012 khi chúng ta được quyền đăng cai ASIAD 18, nhiều đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm đến việc này và tôi có gửi phiếu chất vấn đến Bộ trưởng Bộ VHTTDL để hỏi những vấn đề được các đại biểu và bản thân quan tâm.
Cho đến thời gian gần đây, dư luận ngày càng quan tâm về câu chuyện ASIAD. Nhiều cơ quan báo chí khi lấy ý kiến của người dân đều cho thấy lượng ý kiến không đồng tình rất cao. Nhiều đồng chí trong lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã lên tiếng nêuý kiến nên cân nhắc việc chúng ta dừng đăng cai.
Việc đăng cai sự kiện thể thao lớn của châu lục là một vinh dự và trách nhiệm rất lớn. Đây là việc hệ trọng nên phải được cân nhắc, tính toán. Nếu chúng ta tổ chức đăng cai thì phải đảm bảo tính khả thi, đảm bảo sự thành công của sự kiện này. Theo tôi, có 3 yếu tố chính để chúng ta có thể đăng cai được:
Thứ nhất là phải phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội; thứ hai là phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, quy mô của phong trào thể thao quốc gia (thể thao thành tích cao và thể thao đại chúng); yêu cầu về hạ tầng, cơ sở vật chất cho ngành thể thao. Yêu cầu thứ ba rất quan trọng: Sự đồng thuận của người dân, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước về việc đăng cai. Nếu chiếu theo 3 tiêu chí này rõ ràng cho thấy chúng ta đăng cai ASIAD trong điều kiện hiện nay là chưa phù hợp.
Mặc dù nền kinh tế của chúng ta đã phát triển hơn nhưng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Trong Quyết định của mình, Thủ tướng cũng nhắc nhở điều đó. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Việc chúng ta rút cũng thể hiện được trách nhiệm với thể thao khu vực, với các quốc gia bạn bè. Ta mời bạn bè đến nhà phải chu đáo, nếu ta chưa chu đáo được thì ta để lần khác. Đó cũng là sự trân trọng của bạn bè với nghĩa vụ của chúng ta.
* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Ông Nguyễn Sỹ Cương |
Đây là một quyết định đúng đắn, hợp lý của Chính phủ. Quan điểm của tôi là thà chịu phạt vì rút đăng cai ASIAD 18 còn hơn lãng phí.
Bài học từ SEA Games 22 vẫn còn, nhiều công trình, cơ sở vật chất sau khi tổ chức sự kiện xong bị sử dụng sai công năng, thậm chí không được sử dụng, gây lãng phí. Quyết định của Thủ tướng đã tránh được sự lãng phí cho đất nước và lấy lại rất nhiều niềm tin của người dân.
Tôi khá bất ngờ khi biết tin Thủ tướng Chính phủ quyết định rút đăng cai sự kiện này. Bởi mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, phản đối nhưng tôi vẫn nghĩ tỷ lệ chúng ta quyết vẫn tổ chức ASIAD 18 là 50/50. Thủ tướng đã nhìn nhận vấn đề rất nghiêm túc và quyết định rất chính xác. Thực tế không phải chỉ tổ chức ASIAD một lần là hình ảnh đất nước được nâng lên, mà việc đó phải thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, không chỉ thể thao.
Việc đầu tư cho ASIAD trong 5 năm, với tình hình giá cả hiện naythì sự đầu tư đó là lãng phí rất kinh khủng. Rất may Thủ tướng, Phó Thủ tướng rất quan tâm và đưa ra quyết định chuẩn xác, đúng lúc.
* Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Ông Phạm Tất Thắng. |
Quyết định này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì khi nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức một sự kiện thể thao lớn, chúng ta tổ chức không chu đáo, không thành công sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh đất nước.
Với góc độ của một công dân yêu thích thể thao, tôi cũng thấy quyết định này hơi đáng tiếc, mặc dù cũng không thể khác được. Nếu tổ chức ở Việt Nam thì người dân sẽ có cơ hội tiếp xúc với sự kiện thể thao lớn của châu lục.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là quyết định không thể khác được trong thời điểm hiện nay. Nếu chúng ta không lường hết, đến lúc ở cái thế không thể không tổ chức tốt, thì sẽ phá vỡ bài toán ngân sách, để lại một gánh nặng kinh tếcho đất nước. Lúc ấy ai lo, ai chịu trách nhiệm?
Tôi cũng hy vọng khi có điều kiện, chúng ta sẽ có cơ hội đăng cai ASIAD cũng như các sự kiện thể thao lớn khác để thúc đẩy thể thao, văn hóa, du lịch đất nước.
Theo Phương Liên