MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội vắng nhiều, biểu quyết hộ là thiếu nghiêm túc

28-10-2015 - 11:09 AM | Xã hội

Nội quy kỳ họp Quốc hội cần có quy định đảm bảo linh hoạt nhưng khắc phục được tình trạng đại biểu vắng nhiều, biểu quyết hộ.

Cử tri không biết ý chí của đại biểu mình bầu ra

Điều 5 dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội nêu rõ: Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội; trường hợp vắng mặt từ 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp trở lên thì gửi Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Danh sách đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào Biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các đại biểu Quốc hội vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.

Riêng đối với phiên họp toàn thể của Quốc hội, có ý kiến cho rằng để góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật kỳ họp, khắc phục tình trạng vắng quá nhiều đại biểu, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng phiên họp cũng như kết quả biểu quyết, dự thảo Nội quy nên bổ sung quy định về việc điểm danh bằng thẻ điện tử, công khai danh sách đại biểu vắng mặt và tỷ lệ tối thiểu đại biểu có mặt (có ít nhất quá nửa hoặc 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội) là điều kiện bắt buộc để tiến hành phiên họp toàn thể.

Đại biểu Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội cho rằng, việc biểu quyết bằng điện tử rất hiện đại và văn minh nhưng thiếu tính minh bạch nên cử tri không giám sát được đại biểu của mình đồng ý hay không.

“Việc có đại biểu nhờ biểu quyết hộ vì vắng mặt dẫn đến không phản ánh được số lượng và quan trọng nhất là ý chí của đại biểu về một vấn đề. Thế giới có nước chỉ có 2 cửa “Yes” và “No” để đại biểu thể hiện chính kiến, qua đó cử tri giám sát được ngay tại sao anh không đồng ý trong khi chúng tôi bầu anh lên vì cái này cái kia”, ông Lê Như Tiến cho biết.

Biểu quyết phải thực chất, nghiêm túc hơn

Cũng băn khoăn về tình trạng biểu quyết hộ, ông Đỗ Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Nội dung biểu quyết gần nhau mà bảng điện tử hiện con số đại biểu tham gia vừa từ 457 thành 478 rồi tụt xuống 460 thì không hiểu thế nào”.


Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: Quốc hội nên có thông tin về số buổi tham gia của đại biểu

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: Quốc hội nên có thông tin về số buổi tham gia của đại biểu

Đại biểu nhấn mạnh việc này khiến cử tri thấy đại biểu thực hiện quyền lực cao nhất là biểu quyết không nghiêm túc. Do đó cần nghiên cứu quy định đảm bảo biểu quyết thực chất hơn, như các đoàn thông báo chính xác số lượng đại biểu đăng ký biểu quyết.

“Uỷ ban chúng tôi có cách là thống kê và thông tin về đại biểu vắng mặt. Tự thông tin đó là sự nhắc nhở, không cần bình luận. Quốc hội nên có thông tin nội bộ nào đó về số buổi tham gia của đại biểu, có thể ghi thêm lý do vì đại biểu là lãnh đạo có rất nhiều việc, nhưng sẽ đỡ được vấn đề mà báo chí đôi lần nói đến là vắng quá”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị.

Bày tỏ quan điểm cho rằng quy định về trường hợp đại biểu xin vắng mặt trong dự thảo giống như học sinh xin phép nghỉ học, đại biểu Lê Minh Trọng (đoàn Tây Ninh) cho rằng quy định “nên thoáng mà chặt”.

Đại biểu đề nghị tách rõ 3 trường hợp: Nghỉ cả kỳ họp, nghỉ liên tục trên 3 ngày và nghỉ từng phiên dưới 3 ngày.

Theo đại biểu, một vị Bộ trưởng khó có thể đi họp liên tục suốt 40 ngày, lãnh đạo địa phương cũng cần về họp thường vụ, nhiều đại biểu khác cũng kiêm nhiệm nên cần giải quyết công việc ở địa phương. Do đó quy định nên vừa linh hoạt, vừa thể hiện trách nhiệm.

Cho rằng vì yêu cầu luôn có mặt đầy đủ dẫn đến có người nhờ biểu quyết hộ, đại biểu Lê Minh Trọng đề nghị nghiên cứu giảm thời gian kỳ họp để dành thời gian họp tổ, đoàn. Cùng với đó là dần nâng cao số lượng đại biểu chuyên trách./.

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên