MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua tâm sự của người thư ký già

07-10-2013 - 08:12 AM | Xã hội

Có thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chính phủ cử phụ trách công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình quốc gia.

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Mới quá trưa, còn gần hai giờ nữa mới đến thời điểm gia đình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức đón khách vào viếng, vị đại tá thư ký 83 tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quân phục chỉnh tề. Ông tha thẩn ra vào, sắp xếp cần chỉnh lại lần cuối những việc cần làm sẵn sàng cho giờ đón khách vào viếng tại số 30, phố Hoàng Diệu, nơi ông đã gắn bó trong ngót 40 năm giúp việc cho Đại tướng với tư cách là thư ký riêng.

“Anh Văn đã hai lần để lại ý kiến muốn được an nghỉ tại quê nhà”

Dẫn chúng tôi thăm lại căn phòng giản dị - nơi trưng bày các kỷ vật, đồ lưu niệm về tướng Giáp, đại tá Nguyễn Văn Huyên lặng lẽ cùng chúng tôi trở về căn phòng làm việc nhỏ thân thuộc của ông phía bên tòa nhà.

Rót nước mời các nhà báo, nét mặt của vị thư ký già trĩu nặng nỗi buồn khiến chúng tôi lúng túng chưa biết mở đầu câu chuyện thế nào…

“Quyết định của nhà nước tổ chức Quốc tang đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy là xứng tầm, phù hợp với nguyện vọng của quân dân cả nước, vừa qua tôi có nhận được không ít ý kiến bày tỏ hoan nghênh. Chỉ tiếc là giá mà Hội trường Ba Đình kịp xây dựng thì lễ tang Đại tướng được tổ chức ở đó sẽ không lo bị chật...”- Đại tá Huyên mở đầu câu chuyện bằng giọng nói nét mặt đã vui hơn.

Rồi đại tá cho biết, vào năm 2004 và 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần để lại ý kiến là khi qua đời muốn được về an nghỉ tại quê nhà Quảng Bình.

“Trước đây tôi cũng đã có một vài dịp đi cùng Đại tướng về xem đất mà Đại Tướng đã chuẩn bị cho mình, tôi nhớ đó là  khu vực vùng núi Quảng Bình, cạnh nơi yên nghỉ của phụ thân Tướng Giáp.” – thư ký Huyên nói.

Sau chuyện về tổ chức tang lễ, thư ký Huyên đưa chúng tôi về  kỷ niệm đẹp của ông được cùng Đại tướng Giáp về thăm lại chiến trường Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vị thư ký già hào hứng kể: Khi máy bay chưa tiếp đất, từ trên cao đã thấy bà con tề tựu rất đông, trẻ nhỏ có, người cao tuổi nhiều. Đám đông người với quần áo dân tộc nhiều màu sắc chạy ùa tới quây thành vòng tròn, ngước lên chờ đón máy bay bác Giáp sắp tiếp đất. Máy bay hạ cánh, bà con chạy ùa cả đến, vừa bước ra khỏi cửa máy bay, bác Giáp được một rừng người xúm  quanh tay bắt mặt mừng. “Tôi nhớ mãi hình ảnh một cụ bà 100 tuổi cháu cõng trên lưng trong buổi hôm đó”.

Ông Huyên cũng bùi ngùi nhắc lại dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1984). Dịp đó Bác Giáp còn khỏe, ông trở về thăm Điện Biên Phủ nhưng đây là chuyến thăm hoàn toàn mang tính cá nhân, anh Văn tự quyết định đi lên đó, mà không có ai mời, một chuyến đi hết sức giản dị.

Câu chuyện của chúng tôi với đại tá Huyên trở lại với những đức tính cao quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà như nhận xét của đại tá Hoàng Minh Phương (nguyên trợ lý của Tướng Giáp): “Đại tướng là người luôn có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh phục tùng sự phân công của lãnh đạo, kể cả trong trường hợp sự phân công ấy không phù hợp với cương vị và sở trường của mình; có ý thức tự kiềm chế và chờ đợi để giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo,…”.

Khi trao đổi về điều này, chúng tôi đã thật bất ngờ trước sự thật một vấn đề mà đã qua rất nhiều năm nay, nhiều người trong đó có cả các nhà báo như chúng tôi vẫn không có thông tin đầy đủ, chính xác nên trước giờ vẫn nghĩ sai lệch. Đó là về thông tin về việc có thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chính phủ cử phụ trách công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình quốc gia.

Đại tá Huyên cho biết: Sự thực là thế này, thời đó Thủ tướng Chính phủ là anh Phạm Văn Đồng. Trong một buổi họp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt vấn đề “Trước đây tôi kiêm phụ trách mảng Dân số, kế hoạch hóa gia đình, nay anh Văn phụ trách mảng khoa học kỹ thuật (khi đó Bác Giáp là Phó Thủ tướng), thì có lẽ anh Văn phụ trách luôn về Dân số - kế hoạch hóa gia đình?”.

“Tất cả chỉ có thế, không có bất kỳ quyết định nào về việc này, không có phân công công tác... Tôi cũng biết sau đó dân đồn um lên, đàm tiếu, chê trách này kia… Tôi nghĩ anh Văn cũng nghe được dù không thấy anh nói gì với tôi”- thư ký Huyên bày tỏ.

Ấn tượng nhất là không bao giờ đọc các bài viết đã chuẩn bị sẵn

Không quan tâm nhiều đến việc nhầm lẫn này, đại tá Huyên chuyển sang câu chuyện với chúng tôi điều ông ấn tượng và đánh giá rất cao Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là tướng Giáp không bao giờ đọc các bài viết đã chuẩn bị sẵn, để vào túi, mà ông bao giờ cũng phát biểu theo ý kiến của mình, theo sự chuẩn bị của chính mình.

Theo ông Huyên, có lẽ chỉ duy nhất một lần bác Giáp đọc nguyên bài phát biểu chuẩn bị sẵn, đó là dịp phát biểu  về cách mạng KHKT ở nước ta, tại Đại hội Đảng 4. Bản này do anh em chuẩn bị nhiều tháng trời.

“Một lần khác, tại Hội nghị bàn về giáo dục toàn quốc ở Tây Ninh, tất cả anh em những người chuẩn bị sẵn cho bác Giáp bài phát biểu công phu dài hàng chục trang hết sức bất ngờ vì thấy bác chỉ đọc có hai trang đầu, chủ yếu là kính thưa, kính gửi các quan khách…, còn lại bác phát biểu theo ý kiến chuẩn bị của mình. Sau đó có anh em tỏ ý thắc mắc, bác bảo các cậu chuẩn bị thế cũng có ích vì đọc của các cậu tôi hiểu được thêm nhiều điều cho bài phát biểu của tôi…”.

Những câu chuyện với vị thư ký già của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không biết bao giờ mới hết, nếu chúng tôi không được thông báo rằng giờ viếng Đại tướng tại tư gia sắp bắt đầu.

Bắt tay tạm biệt vị thư ký mẫn cán của danh tướng tài ba, trong lòng chúng tôi tràn đầy cảm mến, xúc động. Nhìn ra phía cổng khu nhà 30 phố Hoàng Diệu, đoàn người xếp hàng dài đang kính cẩn lặng lẽ vào viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
 

Đại tá Nguyễn Văn Nhựa - bác sĩ riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm với tất cả sự kính trọng, yêu mến Đại tướng. Các GS, bác sĩ và cả những y tá, hộ lý trong và ngoài ngành y quân đội, Ban Bảo vệ sức khỏe T.Ư bằng tất cả trí tuệ và lòng kính yêu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chăm sóc bác tận tình, trong mọi điều kiện tối ưu hơn 1.500 ngày điều trị tại khoa A 11, BV Quân đội 108. Khi cần bất cứ điều gì, chúng tôi đều có thể hội chẩn với các GS đầu ngành để tìm ra phác đồ chăm sóc, điều trị tốt nhất. Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, BV 108 là người trực tiếp chịu trách nhiệm về chế độ dinh dưỡng cho bác. Với người già như bác, ngoài ăn uống, còn cần thường được truyền để đảm bảo dinh dưỡng. Lúc phải tiêm truyền, nhiều khi bác rất đau, nhưng bác rất giỏi chịu đựng và không bao giờ kêu ca. Những lúc tỉnh táo, minh mẫn, bác lại là người rất vui tính... Tin tưởng hoàn toàn vào chuyên môn của ngành y VN, nhưng bác cũng hơn ai hết hiểu lẽ trời, quy luật sinh tử khi đối diện với tuổi già. Bác mất để lại cho chúng tôi bao niềm tiếc thương. Hơn 1.500 ngày chăm sóc bác, chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ, với tất cả sự kính trọng, yêu mến vị Đại tướng của nhân dân. Ng.H


Theo Linh Tâm

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên