MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đập thủy điện Don Sahong chắn ngang “tử huyệt” sông Mekong

04-04-2016 - 14:53 PM | Xã hội

Đoạn sông chảy qua hai đảo Don Sahong và Don Sadam chỉ dài 7km nhưng được coi là “tử huyệt” của cả hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Đập thủy điện Don Sahong đang được xây chắn ngang khúc sông này.

Từ ngày 31-3, chung tôi bắt đầu đăng tải loạt bài ghi nhận của nhóm phóng viên tại các điểm nóng hạn hán, xâm nhập mặn ở các nước trong khu vực. Câu chuyện lần này liên quan đến một đập thủy điện đang xây dựng ở khu vực tiếp giáp giữa Lào và Campuchia.

Vượt qua biên giới Campuchia, vào đất Lào chừng hơn 2km có con đường độc đạo rẽ vào khu vực rừng rậm rạp, nơi ít người lạ lui tới. Nếu đi theo trục đường chính nối tỉnh Stung Treng (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) sẽ không thể biết được có một đại công trình đang chuyển động phía sau những cánh rừng có vẻ như yên ắng: công trình thủy điện Don Sahong.

Hết cá tôm 
lẫn... du khách

Don Sahong nằm trên cao nguyên nam Lào, tiếp giáp với vùng đồng bằng phía bắc Campuchia. Một công nhân người Lào đang làm việc tại công trình đập thủy điện này cho biết do thời điểm mùa khô, nước trên sông xuống thấp nên việc xây dựng con đập đang được đẩy nhanh tiến độ.

Nhưng phía sau sự tấp nập ấy là những âu lo của người dân bản địa.

Ông Phum V., một người dân địa phương, kể rằng cuộc sống của họ xáo trộn mạnh từ khi xuất hiện nhiều người nước ngoài cùng xe cộ, máy móc đến đây xây đập thủy điện.

Con đập được xây dựng chắn ngang dòng chảy của sông Mekong, nối hai bản Don Sahong và Don Sadam, nơi có trên 300 hộ dân đang chưa biết cuộc sống sẽ thế nào khi con đập chắn ngang dòng sông sinh kế của họ.

Ở hai bên đường “công vụ” dẫn đến công trình đang xây dựng, trên các điểm cao đã xuất hiện rất nhiều khu nhà tiền chế dán đầy chữ Trung Quốc. Người địa phương cho biết đó là những khu nhà ở cho kỹ sư, công nhân người Trung Quốc đến đây xây đập.

“Đến đây làm đông nhất là người Trung Quốc, kế đến là người Lào và người Việt Nam. Người Lào được trả 10 USD/ngày, người Việt Nam được trả 20 USD còn người Trung Quốc thì cao hơn, nhưng không biết là bao nhiêu” - một công nhân người Lào cho chúng tôi biết.

Những người xây các khu nhà này lại là nhóm thợ đến từ... Việt Nam. Khác với những căn nhà tươm tất cho người Trung Quốc, nơi ở của các thợ Việt rất ọp ẹp. Dãy nhà vách lá lợp tôn nóng như nung, có diện tích không quá 40m2 nhưng là khu vực sống của 24 thợ xây người Việt.

Ông Nguyễn Văn Sang (50 tuổi, quê Cửa Lò, Nghệ An) kể rằng mấy tháng trước, nhóm thợ của ông đã được một chủ người Việt đưa đến vùng rừng núi này để xây nhà.

Đến nơi, nhóm công nhân người Việt bị đẩy vào một khu vực biệt lập, chỉ biết làm việc và cho đến nay chưa ai nhận được đồng nào từ mức lương hứa ban đầu là 20 USD/ngày.

Chủ thầu người Trung Quốc thỉnh thoảng ứng cho ít tiền đủ để mua thức ăn, còn lại thì chẳng ai biết bao giờ được nhận tiền công.

“Chúng tôi muốn về nước cũng không biết làm sao về, bởi không biết ở đây là ở đâu cả” - ông Lê Quốc Quân (41 tuổi, đến từ TP Vinh) nói như muốn khóc.

Trên con đường đầy bụi dẫn đến đập nước Don Sahong, những đoàn xe chở công nhân nối đuôi liên tục. Hai bên đường là những căn nhà sàn trống không do người dân phải di dời vì thủy điện.

Hai chị em Say và Moal, con của trưởng bản Don Sahong, được phép che tấm bạt bên bờ sông để bán nước gần khu vực công trình. Moal kể ngày trước vùng này người dân sống yên bình bằng nghề làm ruộng, dưới sông thì chài lưới, còn gia đình chị thì bán thức ăn nước uống cho khách du lịch quốc tế đi tàu dọc theo sông.

Thế nhưng năm nay nước xuống thấp, trơ các mõm đá nên tàu không dám vào nữa. Người dân chài lưới trên khúc sông này than thở năm nay sông không còn cá để đánh nên đành lên bờ làm công nhân vác đá cho công trình.


Bảng thông tin công trình không có tên MegaFirst của Malaysia, thay vào đó là Điện lực Trung Quốc và Tập đoàn Sinohydro (Trung Quốc) - Ảnh: Tiến Trình

Bảng thông tin công trình không có tên MegaFirst của Malaysia, thay vào đó là Điện lực Trung Quốc và Tập đoàn Sinohydro (Trung Quốc) - Ảnh: Tiến Trình

Lại thấy ông thầu Trung Quốc

Ban đầu, con đập được thông báo do một công ty xây dựng của Malaysia là MegaFirst đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ MegaFirst chỉ là bình phong cho Tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc - một cái tên bị nhiều điều tiếng về việc xây dựng các con đập gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Hỏi thăm các công nhân người Lào, họ cho biết hầu như không thấy người Malaysia đến đây làm việc mà chỉ có người Trung Quốc.

Trên các bảng thông tin về công trình đập thủy điện Don Sahong tại hiện trường cũng không hề xuất hiện cái tên MegaFirst, thay vào đó cái tên “chủ xị” công trình này là Điện lực Trung Quốc và Tập đoàn Sinohydro chịu phần thiết kế, quản lý và xây dựng.

Vì thế, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi quốc tế (IRN) từng viết thư gửi cho Sinohydro bày tỏ lo ngại việc xây dựng đập Don Sahong sẽ hủy hoại môi trường sông Mekong.

Trong thư có đoạn: “Chúng tôi thấy rằng Sinohydro, một đơn vị của Nhà nước Trung Quốc, khi ký hợp đồng liên quan đến thực hiện dự án sẽ can thiệp vào quá trình đàm phán. Đây là thời điểm nhạy cảm cho toàn vùng, trước cái giá phải trả cho việc phát triển thủy điện trên sông Mekong. Chúng tôi hi vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những căn cứ khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”.

Thực tế cho thấy việc âm thầm xây dựng đập Don Sahong, trên đoạn trọng yếu của sông Mekong, cho thấy những người chủ trương xây dựng con đập này đã “rút kinh nghiệm” từ những điều tiếng của các dự án xây đập thủy điện...

Chặn đường sinh sản của 1.000 loài cá

Dòng Mekong chảy đến nam Lào, trước khi vào Campuchia đã phình to, chẻ làm nhiều nhánh, nhiều khúc bởi các hòn đảo lớn nhỏ. Với các dòng chảy ở giữa, chỉ duy nhất đoạn sông chảy qua hai đảo Don Sahong và Don Sadam là có lưu lượng nước nhiều và tương đối hiền hòa.

Tuy đoạn này chỉ có chiều dài 7km nhưng các nhà khoa học đánh giá nó lại có ý nghĩa sống còn với các loài tôm cá của Mekong.

Các nhà khoa học cho biết đoạn sông qua Don Sahong là con đường độc đạo phù hợp cho trên 1.000 loài cá có thể ngược về thượng nguồn Mekong theo mùa và lên các phụ lưu theo chu kỳ sinh sản và tăng trưởng của chúng.

Vì vậy, khúc sông này được coi là “tử huyệt” của cả hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.

Việc xây dựng con đập chắn ngang đã chặn đường trở lại thượng nguồn của nhiều dòng cá di cư.

Con đập tuy chỉ cao 30m (tạo công suất 260MW - nhỏ nhất trong số các đập đã và dự kiến xây trên dòng Mekong) nhưng bị nhiều chuyên gia đánh giá có tác hại vô cùng to lớn với sông Mekong.

Theo Tiến Trình

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên