Đâu phải cứ DN nhà nước là hoành tráng
Thúc giục đẩy nhanh cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn, DNNN, ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho rằng, không nên tạo cơ chế độc quyền, ưu ái bơm tiền cho những DNNN đã không dưới một lần làm ăn thua lỗ.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp QH được tường thuật trực tiếp trên truyền hình sáng nay (31/10), ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay, chưa một kỳ họp nào của QH như kỳ họp này buộc phải quyết định xem xét nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ một lượng rất lớn trong bối cảnh lần đầu tiên ngân sách hụt dự toán đến 63 nghìn tỷ đồng.
XEM CLIP PHÁT BIỂU CỦA ĐB HÀ SỸ ĐỒNG:
Ông Đồng cho rằng đây là một quyết định khó khăn, nhất là báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế. Các con số thống kê gây hoài nghi không nhỏ. ĐB kiến nghị cải cách hệ thống thống kê để từ kỳ họp sau không còn tái diễn cảnh bàn giải pháp mà không thấu thực trạng, quyết chi tiền thật dựa trên con số có thể ảo như hiện nay.
Đề cập vấn đề quan trọng số 1 trong tái cơ cấu tín dụng, ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh nhóm ngân hàng lớn, có tầm ảnh hưởng. Theo ông, ngân hàng lớn không có nghĩa là ngân hàng đó khỏe như trường hợp Agribank, hay như 9 ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu.
ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng băn khoăn trước việc xử lý nợ xấu hiện nay thông qua công ty VAMC mà ông cho rằng như giải pháp “tình thế và khiên cưỡng”. Bản thân Ngân hàng Nhà nước khó có thể một mình giải quyết mà cần thiết lập một đoàn hỗn hợp để giúp xử lý nợ xấu.
Đề cập tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn, ĐB Hà Sỹ Đồng sốt ruột trước tiến độ thực hiện chậm trễ dù đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ông cho rằng, cần xác định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước không đồng nghĩa vai trò chủ đạo, then chốt của DNNN, hỗ trợ vĩ mô để các doanh nghiệp đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế.
“Không nên tạo cơ chế độc quyền hay ưu ái đặc biệt cho bất cứ doanh nghiệp nào, phải có sự tranh cạnh tranh gay gắt, không cần thiết đặc mục tiêu tất cả các DNNN đều phải hoành tráng, không nên quá ưu ái bơm tiền vào những DNNN đã không dưới một lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán.
Nên dùng ưu ái cho những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế xã hội cho dù doanh nghiệp đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào” - ĐB phát biểu.