“Đến lúc phải cụ thể hóa trách nhiệm”
Chưa khi nào vấn đề “siết chặt kỷ cương” lại được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh gay gắt như trong tuần đầu làm việc kỳ họp thứ 6 (21-25/10)
Sự buông lỏng đó đã dẫn tới sự suy kiệt của nền kinh tế, ngân sách hụt đến mức “ăn vào thịt”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Thông, phó chủ nhiệm ủy ban Pháp luật nói, thực tiễn hiện nay cho thấy vấn đề siết chặt kỷ cương là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, kỷ cương lại hết sức quan trọng vì liên quan đến tiền của, tiền thuế của dân. Phải có trách nhiệm trong sử dụng đồng tiền của nhân dân.
Việc không gương mẫu, minh bạch trong sử dụng các nguồn vốn của người dân đóng góp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Mà việc phát hiện tham nhũng trong chuyện này cũng khó.
Vì sao, thưa ông?
Bởi vì kỷ luật của chúng ta không thật sự cụ thể, ta cứ gọi là trách nhiệm chung chung. Đã đến lúc phải cụ thể hóa trách nhiệm, kỷ cương chỉ có được khi trách nhiệm mỗi người rõ. Người duyệt kinh phí phải rõ, người sử dụng phải rõ và người hưởng thụ cũng phải rõ.
Quyền và nghĩa vụ các bên hết sức rõ. Chỉ khi đó chúng ta mới truy cứu trách nhiệm một cách rõ ràng được.
Ông Lê Minh Thông. Ảnh: Ngọc Thắng |
Khi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, các cá nhân trong sử dụng công quỹ mạch lạc, lúc đó chúng ta mới có căn cứ siết chặt kỷ cương. Giải pháp quan trọng đầu tiên là phải minh bạch, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, phải minh bạch về xử lý.
Thưa ông, đánh giá về tham nhũng vừa qua của ủy ban Tư pháp nhận định còn nhiều án treo, bỏ lọt tội phạm?
Hình phạt có nhiều cấp độ, tham nhũng cũng có nhiều cấp độ, ứng với mỗi mức độ nguy hiểm của nó thì có mức phạt được trù liệu. Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay của chúng ta là phải xử đúng luật, luật như thế xử đúng như thế.
Nhưng dường như chưa có tác dụng răn đe?
Bây giờ phải nghĩ đến sửa luật, chúng ta phải nghĩ đến song song với việc nâng cao chất lượng xét xử của tòa án, chất lượng truy tố của các cơ quan điều tra, kiểm soát thì phải nghĩ đến câu chuyện sửa luật Hình sự để nâng mức hình phạt đối với tội tham nhũng lên.
Chẳng hạn như với trường hợp gần đây nhất Dương Chí Dũng thì sao?
Tôi không phải ở lĩnh vực tòa án, nhưng đương nhiên những tội tham nhũng kiểu ấy trong khi sửa luật Hình sự thì phải nâng lên, nghiêm khắc hơn.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng chúng ta cũng chưa nghiêm trong thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, cụ thể là các địa phương và các ngành vẫn triển khai các dự án mới?
Chính phủ đã có Nghị quyết, Chính phủ đã rà soát lại, các địa phương cũng phải rà soát lại, cắt giảm các công trình theo tinh thần giảm, loại bỏ, tạm đình hoãn những dự án không thực sự phát huy hiệu quả hoặc là chưa thích hợp.
Những địa phương nào vẫn tiếp tục đầu tư mới, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Cái đó phải rà soát lại, phải kiểm tra xem địa phương nào làm. Cũng cần lưu ý cơ cấu lại dự án không có nghĩa là chúng ta không làm mới, các công trình cần thiết cho phát triển, dân sinh vẫn phải làm.
Đó có phải kẽ hở không thưa ông?
Người lãnh đạo phải linh hoạt, xuất phát từ nhu cầu phát triển để xử lý vấn đề đó, không để lợi dụng kẽ hở. Cần phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra.
Có phải chúng ta thiếu cơ chế thực thi?
Trong tổ chức thi hành luật, các quyết định thì đúng là chúng ta vẫn còn nhiều vướng mắc. Kỷ luật chấp hành của chúng ta chưa thật nghiêm, cho nên một trong các vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải nâng cao kỷ luật chấp hành, Chính phủ quyết định như vậy thì các địa phương phải chấp hành nghiêm túc.
Trách nhiệm của ủy ban Pháp luật thì sao?
Chúng tôi cũng sẽ chú trọng giám sát việc chấp hành các quy định của luật pháp về từng lĩnh vực một. Vì luật ban hành, nghị định ban hành chỉ có ý nghĩa thực tiễn khi mà họ chấp hành nghiêm. Nếu cứ lợi dụng cái chưa hoàn thiện của luật pháp, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để mà lách luật thì rất nguy hiểm.
Cảm ơn ông!