Điện gió bất động
Chỉ mới có 3 trong số 51 dự án điện gió trên cả nước đi vào hoạt động và 1 dự án vừa khởi công, còn lại đang “bất động”.
- 11-07-2014Điện gió Việt Nam: Hàng loạt nhà đầu tư bỏ chạy
- 19-05-2014Khởi công giai đoạn 1 nhà máy điện gió tại Ninh Thuận
- 21-02-2014Điện gió tại Việt Nam, giá mua thấp không còn là trở ngại chính
- 20-01-2014Ninh Thuận 'rắn' với điện gió, sốt sắng điện hạt nhân
Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn để cứu ngành năng lượng tái tạo.
Bản đồ gió "nhảy múa"
Năm 2001, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bản đồ nguồn gió tại VN, cho thấy diện tích có vận tốc gió từ 6 m/giây (yêu cầu tối thiểu để có thể khai thác điện gió) trở lên là 128.340 km2 ở độ cao 65 m. VN được WB lúc đó đánh giá là quốc gia có tiềm năng nhất về điện gió trong khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất có thể khai thác lên đến trên 500.000 MW.
Tuy nhiên, một bản đồ hoàn toàn khác được WB và Bộ Công thương công bố năm 2010 cho thấy tiềm năng của điện gió không phải như vậy. VN chỉ có 2.676 km2 ở độ cao 80 m đạt được vận tốc gió từ 6 m/giây trở lên. Dự kiến, khoảng đầu năm 2015 sẽ tiếp tục có bản đồ nguồn gió mới của Bộ Công thương và WB.
Hiện nay tại VN chỉ có 2 chủ đầu tư, một tại Bình Thuận và một chủ đầu tư nữa tại Bạc Liêu được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế. Các doanh nghiệp còn lại phải tự bơi khi tiếp cận nguồn vốn làm điện gió. Mà vay vốn thương mại làm điện gió chắc chắn sẽ khó có lãi
Ông Dương Tấn Long
Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng, Sở Công thương Bình Thuận
|
Chưa biết lần cập nhật sắp tới, diện tích có thể khai thác điện gió sẽ ra sao, song số liệu năm 2010 cho thấy diện tích đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng hơn 2% so với năm 2001. Tiềm năng khai thác điện gió VN chỉ còn tổng công suất khoảng trên 10.600 MW, thấp hơn hẳn so với số liệu vào năm 2001.
Sự thay đổi bản đồ gió này xuất phát từ việc nhờ có các cảm biến đo gió ở các độ cao khác nhau được lắp đặt ở hơn 60 trạm đo gió cao 60 - 100 m sau năm 2001 nên các số liệu chính xác hơn trước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Dự án lưới điện - Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3 (EVN PECC3) - đơn vị được Bộ Công thương chỉ định thực hiện việc lập quy hoạch điện gió trên toàn quốc, để phát triển điện gió, yếu tố hàng đầu là phải có gió với tốc độ cho phép; kế đến là phải có cơ sở hạ tầng tốt, vì các thiết bị điện gió là thiết bị siêu trường, siêu trọng (50 - 60 tấn, dài gần 40 m). Một yếu tố nữa là phải có diện tích đất thích hợp và vị trí phải gần nơi có thể đấu nối lưới điện quốc gia.
Dựa trên bản đồ nguồn gió và các yếu tố nêu trên, ông Dũng cho rằng 2 tỉnh có tiềm năng nhất để phát triển điện gió là Bình Thuận và Ninh Thuận. Ngoài ra, một số tỉnh ở khu vực Tây nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng; một số tỉnh duyên hải miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình; phía nam có Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là những tỉnh có tiềm năng.
Hàng loạt dự án đình trệ
Là một trong 2 địa phương có tiềm năng nhất về điện gió, nhưng các dự án (DA) điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua triển khai rất chậm. Tỉnh này hiện có 15 DA còn hiệu lực với tổng công suất đề nghị đầu tư là 1.182 MW, trong đó có 10 DA đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong 5 DA đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thì 2 DA đã hoàn thành và phát điện, đó là dự án của Công ty TNHH MTV năng lượng tái tạo VN (REVN) tại huyện Tuy Phong và dự án của TCT điện lực dầu khí trên đảo Phú Quý. Hiện nay còn có 3 nhà đầu tư đang xin chủ trương khảo sát, đo gió để lập DA.
Ninh Thuận là tỉnh được đánh giá có mật độ gió cao nhất trong khu vực phía nam và có vận tốc gió mạnh nhất VN, trung bình 7,1 m/giây ở độ cao 65 m và vận tốc gió mạnh nhất trong năm từ 18 - 20 m/giây ở độ cao 12 m.
Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng (khoảng 8.000 ha) tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng/năm, với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/giây, đảm bảo ổn định cho tua bin gió phát điện. Với lợi thế đó, từ năm 2008 đến nay, đã có 8 DA điện gió đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép và 9 DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, nhìn nhận hầu hết các DA điện gió trên địa bàn đều triển khai quá chậm so với tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Trong 8 DA được cấp phép, DA Nhà máy điện gió Công Hải do liên doanh TCT công nghiệp Sài Gòn, TCT phát điện 2 và Công ty CP đầu tư kinh doanh điện lực TP.HCM làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 1.500 tỉ đồng đã khởi công xây dựng giai đoạn 1, trên diện tích khoảng 20 ha ở xã Công Hải, H.Thuận Bắc.
Nản chí vì phải... tự bơi
Theo ông Lý Ngọc Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch - Viện Năng lượng, rào cản hiện nay là giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió quá cao.
Bên cạnh đó, việc thiếu vốn và chính sách trợ giá chưa khuyến khích được các nhà đầu tư, đồng thời khung thể chế đầu tiên về điện gió (Quyết định 37/2011/QĐ-TTg) về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió giá chưa phù hợp. Ngoài ra, việc thiếu năng lực sản xuất trong nước đối với hầu hết các công nghệ năng lượng tái tạo (chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu) cũng là rào cản cho sự phát triển điện gió tại VN.
Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh nhận xét: "Khó khăn với điện gió hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa nhất vẫn chính là do giá mua điện gió quá thấp".
Theo ông Thịnh, giá mua điện từ các DA điện gió mà Chính phủ đã đưa ra là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 UScent/kWh) rất thấp so với suất đầu tư cho điện gió hiện nay. "Với giá này, tất cả các DA điện gió vẫn sẽ lỗ nặng. Đây chính là nguyên nhân khiến các DA điện gió nói chung và Bình Thuận nói riêng chậm triển khai", ông Thịnh nói.
Còn theo ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), một nguyên do khác khiến các DA chậm được triển khai đó là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo rất khó khăn.
"Hiện nay tại VN chỉ có 2 chủ đầu tư, một tại Bình Thuận và một chủ đầu tư nữa tại Bạc Liêu được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế. Các doanh nghiệp còn lại phải tự bơi khi tiếp cận nguồn vốn làm điện gió. Mà vay vốn thương mại làm điện gió chắc chắn sẽ khó có lãi. Điều này khiến các doanh nghiệp nản chí, dẫn đến các DA chùng lại là vậy", ông Long nói.
Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, nhìn nhận cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió hiện nay còn nhiều bất cập, chưa thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Đơn cử, lúc ban hành Quyết định số 37/2011 ngày 29.6.2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió là 1.614 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT, Bộ Công thương đã điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 266,85 đồng/kWh (tăng 21,49%).
Nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Công thương tăng giá mua điện gió theo tỷ lệ tăng giá bán điện bình quân 21,49%. Nếu được như vậy giá điện gió sẽ tăng từ 1.614 đồng/kWh lên 1.960,85 đồng/kWh tương đương 9,5 uscent/kWh, thì các nhà đầu tư mới có lãi, mới có thể triển khai DA.
>>>Điện gió Việt Nam: Hàng loạt nhà đầu tư bỏ chạy
Theo Mai Vọng - Quế Hà - Thiện Nhân