MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều 60 Luật BHXH: Do luật “đóng khung” nên công nhân phản ứng

03-04-2015 - 17:04 PM | Xã hội

Một số công nhân không hiểu, họ thấy không có quyền lựa chọn, cho nên mới phản ứng.

Trong 2 ngày 26 và 27/3, công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã đình công để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng là yêu cầu chính đáng của công nhân. Có điều, luật thì “đóng khung”, trong khi người lao động chưa được tư vấn cặn kẽ nên họ mới phản ứng như vậy!

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Điểm a, điều 60 quy định cứng nhắc

- Còn 9 tháng nữa, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mới có hiệu lực. Tuy nhiên, từ vụ việc đình công của công nhân Công ty TNHH PouYuen cho thấy luật này có điểm chưa thực sự gắn với cuộc sống. Theo ông, điểm bất cập đó là gì?

Ông Mai Đức Chính: Khi sửa đổi, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014 mở rộng đối tượng, thu hút thêm lực lượng lao động tham gia bảo hiểm. Theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, thì tới năm 2020 có ít nhất 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, hiện nay chỉ có 20%. Như vậy, từ khi luật này có hiệu lực (1/1/2016), trong 5 năm tiếp theo phải tăng thêm 30% nữa.

Do đó, mục đích cũng giống như các nước khác là tiến tới BHYT toàn dân. Ngoài đối tượng đóng BHXH bắt buộc, thì Luật BHXH mới có chính sách hỗ trợ thêm cho những người tham gia BHXH tự nguyện, để thu hút mọi người tham gia.

Nếu bây giờ thực hiện chính sách trợ cấp một lần thì sẽ đi ngược với tinh thần trên, vì khi người lao động nhận trợ cấp một lần có nghĩa họ đã ra khỏi hệ thống. Tuy nhiên, nếu đối tượng nhận trợ cấp một lần, đến cuối đời, hết tuổi lao động sẽ không có chế độ hưu trí. Trường hợp không có người thân giúp đỡ lúc tuổi già, thì gánh nặng đè lên vai xã hội.

Do đó, tinh thần Nghị quyết 21 và Luật BHXH mới là mong muốn người lao động tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện và bảo lưu chính sách đó để khi hết tuổi lao động, họ có lương hưu. Đây là chủ trương, chính sách rất nhân văn mà nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng.

Tuy nhiên, đối với hoàn cảnh Việt Nam, người lao động còn có những khó khăn. Do đó đây là ý tưởng tốt đẹp nhưng chưa đúng thời điểm. Khi chúng tôi nắm tâm tư, người lao động nói rằng thực sự họ không muốn làm công nhân suốt đời. Họ từ quê, đi làm công nhân ở các khu công nghiệp ở TP HCM, Đồng Nai… trước mắt để giải quyết mưu sinh, để có tích lũy; sau đó về lập gia đình ở quê. Nếu bắt chờ 30 năm để được hưởng chế độ thì tất nhiên họ có nhiều điều suy nghĩ.

Qua nắm bắt chúng tôi được biết, đa số công nhân đã có quá trình tham gia BHXH trên 15 năm không muốn lấy “một cục”, mà muốn để thêm vài năm nữa là được hưởng hưu trí; còn công nhân có thời gian làm dưới 15 năm hoặc 10 năm muốn nhận khoản tiền này để có vốn làm ăn. Có công nhân nói với tôi: “Con gái cháu ốm, nếu không có khoản tiền thì cháu không thể cứu con. Cháu buộc phải nghỉ việc để xin nhận trợ cấp một lần. Cháu phải hy sinh việc làm để cứu con trước đã”. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Tôi muốn nhấn mạnh là Luật BHXH 2014 có rất nhiều chính sách có lợi cho người lao động, như trước đây Luật lao động quy định nghỉ thai sản 4 tháng, giờ là 6 tháng, do đó BHXH phải trả lương trong 6 tháng đó; hoặc khi vợ nghỉ thai sản, người chồng cũng được nghỉ để chăm sóc vợ…

Riêng khoản a, điều 60, các cơ quan làm luật mong muốn người lao động không nhận khoản tiền một lần, để khi cuối đời, họ không còn tuổi lao động thì có chế độ hưu trí. Tuy nhiên, điểm này cứng nhắc, không linh hoạt. Theo kiến nghị của TLĐ là cần có sự sự linh hoạt, có lộ trình, bởi khi luật đã “đóng khung” rồi thì sửa rất khó.

Luật nên linh hoạt

- Sau sự kiện đình công của công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, phía TLĐ đã ra lời kêu gọi để công nhân trở lại làm việc. Ông có thể nói rõ hơn quan điểm của TLĐ trong tham mưu giải quyết vụ việc này?

Ông Mai Đức Chính: Sau sự kiện trên, TLĐ có kiến nghị và Thủ tướng đã chấp thuận lời kêu gọi của đồng chí Chủ tịch TLĐ là nên linh hoạt ở điểm này. Tới đây kiến nghị với Quốc hội sửa điều 60 theo tinh thần linh hoạt. Tinh thần vẫn theo như quy định của Luật BHXH 2006, tuy nhiên để người lao động quyết định số tiền của họ. Người lao động cần được tư vấn để cân nhắc, lựa chọn hình thức nhận một lần hay bảo lưu.

Theo chúng tôi, nên có tuyên truyền, tư vấn để người lao động thấy rằng, nếu nhận trợ cấp một lần mà không có lợi thì nên để lại. Phải làm cho người lao động hiểu rằng nếu nhận trợ cấp thì thấy “tiền tươi thóc thật”, nhưng về lâu dài thì họ sẽ thiệt và họ cần lựa chọn giải pháp tốt nhất. Và sau này, người lao động nếu có chịu thiệt thòi thì cũng không oán trách gì được phía BHXH vì họ đã được tư vấn.

Phân tích cho thấy, tiền giữa người sử dụng lao động với người lao động đóng cho quỹ hưu trí và tử tuất là tương đương 22%. Nếu chia ra, người lao động được hưởng là 2,6 tháng lương, còn bây giờ nhận trợ cấp một lần thì theo quy định ai đóng trước 2014 thì nhận 1,5 tháng, còn từ 2014 trở về sau thì nhận 2 tháng, tức là ít nhất họ cũng bị thiệt thòi 0,6 tháng lương. Hiện nay trong quỹ bảo hiểm hưu trí phải đóng, lương hưu thực tế bình quân người lao động được hưởng là 9 năm. Song thực tế họ sống lâu hơn số năm đó, do đó quỹ bảo hiểm, thậm chí Nhà nước phải trả cho những năm tiếp theo.

Qua sự việc vừa rồi, cho thấy công tác tuyên truyền cho công nhân còn chưa thấu đáo. Tuy nhiên cũng cần khẳng định tâm tư, nguyện vọng của công nhân là hoàn toàn chính đáng. Do luật của chúng ta “đóng khung” như vậy, làm cho người công nhân không hiểu, họ thấy rằng không có quyền lựa chọn, cho nên mới phản ứng.

- Theo ông, công nhân đòi quyền lợi cho mình là chính đáng, song làm thế nào để không xảy ra tình trạng đình công như vừa qua?

Ông Mai Đức Chính: Công nhân của chúng ta đa số là tốt, có bản lĩnh, tuy nhiên cũng có một số người hiểu biết về luật pháp còn chưa cặn kẽ. Ngày hôm qua họ là nông dân, thì hôm nay trở thành công nhân. Rõ ràng trước những vấn đề bức xúc, họ dễ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo. Bởi qua đối thoại, nhiều công nhân nói rằng họ chẳng biết chuyện gì, thấy mọi người tụ tập thì cũng kéo đến.

Trong trường hợp công nhân không đồng ý với những quy định trong luật, có thể thông qua các tổ chức công đoàn cơ sở, để kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét. Phía TLĐ cũng thực hiện các biện pháp để làm sao công nhân sống và làm việc theo pháp luật.

Trong doanh nghiệp cũng phải thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ. Qua đó, những gì thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp thì doanh nghiệp giải quyết; cái gì ngoài thẩm quyền thì kiến nghị với các cơ quan chức năng.

- Xin cảm ơn ông!.

Theo Lại Thìn

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên