“Vấn đề là chưa bị lộ thôi”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Công, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC) cho biết, bắt đầu hợp tác với Công ty JTC từ những năm 1992-1993. Từ đấy tới nay, hầu hết các dự án đường sắt mà JTC trúng thầu đều mời TRICC tham gia liên doanh. Khi TRICC chủ trì nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng mời JTC tham gia.
“Họ là doanh nghiệp nước ngoài, khi sang nước khác làm ăn họ phải liên kết với một đơn vị “thông thổ” của địa phương, để hiểu về cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nọ, cơ quan kia của nước sở tại”, ông Công nói.
Đánh giá công việc và dấu hiệu nào bất thường của JTC sau nhiều năm cộng tác, ông Công nói: “Rất khó trả lời”. Tuy vậy, theo ông Công, ở ngoài người ta cũng bàn tán về cách làm ăn của người Việt, lộn xộn từ chính sách tới tính thực thi. “Cùng một cách làm ăn như vậy, vấn đề là chưa bị lộ thôi”, ông Công nói.
Khi hỏi về nghi án JTC đưa hối lộ hơn 16 tỷ đồng cho quan chức Việt để có dự án, ông Công cho biết, cũng chỉ nắm sơ bộ, còn cụ thể phải hỏi lãnh đạo đang giải trình. “Nhưng vụ việc làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động của công ty, do nhiều dự án công ty tham gia có liên quan tới JTC đều phải tạm dừng”, ông Công nói.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, từng giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty TRICC - thời kỳ đầu đơn vị liên doanh với JTC tư vấn thiết kế kỹ thuật cho dự án đường sắt nội đô Hà Nội (nghỉ hưu năm 2010).
Ông Tịnh cho biết, việc có hay không JTC đưa hối lộ, ông không nắm được. Ban đầu TRICC nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt số 1 bằng vốn Việt Nam, JTC không tham gia. Sau khi được Bộ GTVT duyệt, lúc này JTC mới tham gia đấu thầu tư vấn thiết kế. Khi JTC trúng thầu rồi mới mời TRICC tham gia cùng thiết kế.
“Nhưng nói thật, kỹ sư Việt Nam tham gia chủ yếu làm thợ vẽ cho họ và nhận lương hàng tháng chứ có gì đâu”, ông Tịnh nói. Ông Tịnh cũng chỉ biết thông tin đưa hối lộ qua báo chí, nhưng không thấy có gì ngạc nhiên.
Chiều 25/3, PV Tiền Phong đã có mặt tại trụ sở Ban quản lý các dự án đường sắt RPMU (Tổng Công ty Đường sắt). Trụ sở ban nằm ở tầng 12-13-14 tòa nhà của Tổng cục Đường bộ (Cầu Giấy, Hà Nội). Không gian nơi đây khá tĩnh lặng, sảnh ít người qua lại. Riêng sảnh chính tầng 13 được đặt một bàn bóng bàn, nhưng không có người chơi.
Ông Nguyễn Đức Sơn (Phó Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt) cho biết, sau khi Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu bị đình chỉ công tác để giải trình, ông được giao điều hành thay từ ngày 25/3, nên không nắm được gì nhiều. Theo ông Sơn, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT và các cơ quan cấp trên, Tổng Công ty Đường sắt đã thành lập đoàn kiểm tra nội bộ.
Liên quan tới dự án đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1), ông Sơn cho hay, hiện đã dừng giải ngân vốn cho đối tác JTC, dừng thương thảo tiếp về gói thầu 2a. Buổi làm việc bị gián đoạn vì ông Sơn phải tiếp đoàn Thanh tra của Bộ GTVT.
Nguyên tổng giám đốc và thứ trưởng phải giải trình
Ngày 26/3, liên quan đến nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của Công ty JTC (Nhật Bản) Bộ GTVT yêu cầu 10 cán bộ đã nghỉ hưu và đương chức phải giải trình. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Bằng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có tên trong danh sách này. Quan chức cao nhất giải trình là nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách đường sắt Lê Mạnh Hùng. Cũng là quan chức về hưu có ông Hà Khắc Hảo - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Những cán bộ, công chức đang công tác bao gồm: Ông Nguyễn Đức Thắng - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); bà Nguyễn Minh Tuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Lê Quyết Tiến - Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Phan Hữu Biên - Chuyên viên phòng Pháp chế - Đấu thầu (Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); ông Vũ Nam Nguyên - Chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - Đầu tư; ông Triệu Khắc Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).
Những cá nhân trên đều liên quan đến việc lập, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.
Theo Lê Hữu Việt - Sỹ Lực