Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoạt động thế nào?
Các quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt, giữa lúc mô hình này đang được một số địa phương đề xuất.
- 04-01-2013Đơn vị hành chính, sự nghiệp tiếp tục phình to
- 06-02-2012Kiến nghị xử phạt 52 đơn vị vi phạm hành chính trong xây dựng
- 24-02-2010Nhiều đơn vị hành chính sẽ làm việc ngày thứ 7
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Số lượng đại biểu, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Trong khi đó, theo tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khá nhiều ý kiến nhất trí đối với các quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị giải thích rõ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một mô hình tổ chức hay thuộc hai mô hình tổ chức khác nhau, tức là đơn vị hành chính đặc biệt và đơn vị kinh tế đặc biệt.
Một số đại biểu cũng cho rằng cần tham khảo thêm kinh nghiệm của nước ngoài về tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm tính linh hoạt, đồng thời làm rõ các quy định về phân cấp, đại biểu hội đồng nhân dân, thành viên ủy ban nhân dân, quan hệ phối hợp công tác... có áp dụng với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nên quy định rõ Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thậm chí có ý kiến đề nghị nghiên cứu mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chỉ có cơ quan hành chính.
Cũng có đại biểu nêu ý kiến rằng nên bổ sung khung hành chính pháp lý đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, theo đó cơ chế chính sách của đơn vị này do Quốc hội quy định và do Quốc hội quyết định thành lập, đề nghị quy định ngay trong dự thảo luật.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương dành hẳn chương 5 với 4 điều để quy định về mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Theo dự thảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Về trình tự, thủ tục quyết định thành lập, Chính phủ sẽ xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra đề án. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể thành lập ủy ban lâm thời để thẩm tra đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 tháng 10/2013 đã có chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).