MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đóng BHXH theo thu nhập: Còn nhiều việc phải làm

09-09-2015 - 15:22 PM | Xã hội

2016, phí bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương của người lao động được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận như thế nào?

* Ông Hoàng Đôn Dũng (chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn - SCQC):

Thay đổi nhưng cần đồng bộ

Tôi thấy chính sách này có lợi cho người lao động, bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng ủng hộ.

Lương bình quân của một kỹ sư tại SCQC theo ngạch nhà nước khoảng 4 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế thu nhập của một kỹ sư khoảng 8 triệu đồng/tháng. Như vậy, có khoảng 4 triệu đồng lương không được đóng BHXH.

Trước nay, cả công ty và người sử dụng lao động đều muốn đóng BHXH cho 4 triệu đồng chênh lệch này nhưng cơ quan BHXH chưa cho đóng.

Việc đóng BHXH trên thu nhập thực tế thì người lao động sẽ rất thích bởi họ chỉ đóng phí BHXH tăng thêm không đáng kể (người lao động đóng 8% lương, doanh nghiệp đóng 14% lương) nhưng khi về hưu người lao động được hưởng lương cao.

Riêng doanh nghiệp thì có băn khoăn về chi phí để đóng BHXH cho người lao động. Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong ngành tư vấn xây dựng thì phí tư vấn phải tuân thủ theo đơn giá do Bộ Xây dựng ban hành. Giá này hiện ban hành dựa trên mức đóng BHXH cũ nên chưa phù hợp với chi phí thực tế nếu như áp dụng cách tính BHXH mới.

Vì vậy, doanh nghiệp cũng sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh đơn giá tư vấn cho phù hợp với chi phí thực tế. Công ty không thể giảm thu nhập của người lao động để bù qua chi phí đóng BHXH được vì như vậy sẽ không giữ được chân người lao động.

* Bà Khánh Mai (làm việc tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Đảm bảo cuộc sống khi về hưu

Theo tôi, chính sách này bảo đảm cho người lao động cuộc sống đầy đủ hơn khi về hưu. Các công ty nước ngoài đã thực hiện cách đóng BHXH này lâu rồi, lúc này VN thực hiện là phù hợp, cần thiết. Đặc biệt là đối với công nhân lao động phổ thông, làm việc trong những ngành nghề hay tăng ca, làm ngoài giờ hay độc hại... Mức lương hưu của họ phải phản ánh xứng đáng, đầy đủ công sức của họ bỏ ra trong thời trẻ phục vụ xã hội.

Lâu nay, các doanh nghiệp né bớt BHXH bằng cách chia nhỏ “cục lương” của người lao động ra thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp... để đóng BHXH thấp, khiến lương hưu của người lao động không đủ sống.

Cách đóng BHXH mới buộc doanh nghiệp có trách nhiệm hơn đối với người lao động. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành cần chặt chẽ, tránh trường hợp doanh nghiệp đóng BHXH cao hơn thì trừ lại những khoản khác của người lao động như phụ cấp thấp hơn, thưởng giảm đi hoặc không tăng lương cho người lao động.

* Anh Nguyễn Văn Bưởi 
(chủ tịch công đoàn một công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM):

Chính sách phải hài hòa cho mọi người lao động

Năm 2013, công ty tôi là một trong những doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tiên tại TP.HCM bắt đầu có người lãnh lương hưu. Nhiều trường hợp anh chị em hưởng lương hưu chỉ dưới 1 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống, họ phải đi rửa chén, giữ trẻ sau khi về hưu.

Khi có quy định đóng BHXH trên thu nhập thực tế, nhiều công nhân sẽ thắc mắc vì cho rằng phần đóng của họ sẽ tăng lên. Theo tôi, đóng theo thu nhập thực tế để cuộc sống sau này khi về hưu của công nhân sẽ đỡ hơn.

Nhân đây, tôi đề nghị cần xem lại cách tính lương hưu cho khu vực FDI và khu vực nhà nước để không có sự phân biệt. Hiện khu vực FDI vẫn tính lương hưu dựa trên mức lương bình quân từ lúc bắt đầu đóng BHXH đến khi về hưu, còn doanh nghiệp nhà nước thì tính bình quân năm năm cuối.

Như tôi lúc vào làm việc lương chỉ 300.000 đồng/tháng, nhưng hiện tại lương tôi đã 6 triệu đồng/tháng. Nếu giữ nguyên cách tính này thì công nhân ở khu vực FDI sẽ rất thiệt thòi.

Theo D.NGỌC HÀ - VŨ THỦY ghi

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên