Đông Nam Á khô khốc
Lào, Thái Lan, Campuchia và Malaysia đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vài chục năm qua, khiến sản lượng lúa gạo và các loại cây lương thực khác đang sụt giảm nghiêm trọng.
- 25-03-2016Công việc này sẽ kiếm bộn tiền từ chính phủ các nước đang chịu hạn hán và ô nhiễm
- 24-03-2016Đại biểu Quốc hội hiến kế ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
- 24-03-2016Hạn mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long: Người khát, cá chết
- 24-03-2016Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu sản xuất vì hạn, mặn
- 24-03-2016Những cánh đồng xanh trên vùng đất khô hạn
Chuyên gia về biến đổi khí hậu của Thái Lan, tiến sĩ Anond Snidvongs nhận định nạn hạn hán mà khu vực Đông Nam Á đang gánh chịu là do ảnh hưởng từ việc lượng mưa giảm trong suốt mùa mưa năm 2015, kéo dài đến năm 2016 và có thể sẽ lan cả sang năm 2017.
Hiện tượng này khiến nước cung cấp không đủ cho các hồ dự trữ nước ngọt cũng như các con sông dùng cho nông nghiệp.
Gánh nặng cho hàng triệu nông dân
Báo Bangkok Post cho biết một vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở đông bắc Thái Lan đang phơi mình nứt nẻ dưới cái nắng như thiêu như đốt. Mực nước trong những hồ dự trữ nước ở khu vực này cũng đang xuống thấp. Không chỉ ở vùng đông bắc mà một số khu vực khác cũng đang hứng chịu hạn nặng.
Người ta có thể thấy những con kênh đào thủy lợi khô cạn nước. Thậm chí, giới quản lý công viên quốc gia Thái Lan phải xây dựng nhiều hồ chứa nước để duy trì sự sống của những loài động vật hoang dã đang sống ở đây.
Giới chuyên gia cho rằng gánh nặng hạn hán đang đè nặng lên vai người nông dân. Họ buộc phải tạm dừng hoặc chịu cảnh mùa màng thất bát.
Thái Lan, một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, đã buộc phải hạ hạn ngạch xuất khẩu gạo xuống còn 4,6 triệu tấn, giảm khoảng 14,5% so với năm 2015. Báo cáo của văn phòng kinh tế nông nghiệp cho biết diện tích đất nông nghiệp của nước này cũng đã giảm 10% do thiếu nước tưới tiêu.
Tại Malaysia, thời tiết khô hạn cũng đang gây ảnh hưởng nặng đến sản xuất dầu cọ, một trong những sản phẩm nông nghiệp chính.
Thống kê từ Ủy ban Dầu cọ của Malaysia cho biết những cánh đồng nguyên liệu đang bị thu hẹp dần và sản lượng đầu ra của mặt hàng này chỉ còn 1,04 triệu tấn thay vì 1,12 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên hiệp Thanh niên bản địa Campuchia, ông Samin Ngach, cho biết thực phẩm và nguồn cung cấp nước sạch hiện đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng do diện tích đất nông nghiệp ở Campuchia đang rơi vào tình trạng thiếu nước tưới tiêu nghiêm trọng. Hơn 200.000ha đất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt hạn này.
Theo ông Ngach, điều đáng quan ngại nhất hiện nay là tình trạng các nước trong khu vực vì ứng phó với hạn hán mà mạnh ai nấy quyết định phương pháp cứu hạn. Chẳng hạn như việc Chính phủ Thái Lan quyết định bơm nước từ sông Mekong vào hồ chứa phục vụ những khu vực bị hạn nặng của nước này.
Tại Lào, hạn hán đã làm suy giảm đáng kể năng suất lúa. Một số nông dân ở Vientiane cho biết hiện nay họ không thể gieo hạt cho vụ mùa sắp tới vì lượng nước tưới tiêu không đủ. Tình trạng hạn hán này đã kéo dài từ năm 2015 đến nay.
“Chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ đói vì thiếu gạo ăn” - một nông dân cho biết. Nhà kinh tế học Thái Lan Witsanu Attavanich ước đoán đợt khô hạn này đang làm tổn thất kinh tế lên đến hơn 1,7 tỉ USD.
Tại Philippines, hiện tượng El Nino cũng đang làm bốc hơi ít nhất 206 triệu USD trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân Philippines đang đứng trước nạn đói kém, thậm chí có nhiều người phải săn bắt chuột đồng để sống qua ngày.
Trung Quốc cam kết chia sẻ
Ngày 23-3 tại Tam Á, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã diễn ra hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Theo TTXVN, với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”, hội nghị đã khẳng định cam kết của sáu nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong - Lan Thương.
Theo đó, sáu nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị - an ninh; kinh tế và phát triển bền vững; văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.
Trong thời gian tới, hợp tác Mekong - Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào năm lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong - Lan Thương” - tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và danh sách các dự án thu hoạch sớm.
Thiếu nước do đập của Trung Quốc
Theo Bangkok Post, mực nước trên sông Mekong hiện đang ở mức thấp nhất từ năm 1926 đến nay, một phần cũng vì những con đập mà Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn của dòng sông.
Người đứng đầu diễn đàn Future Forum chi nhánh Campuchia, ông Ou Virak nhận định: “Tôi cho rằng biến đổi khí hậu giờ đây có thể cảm nhận rõ. Biến đổi khí hậu đang để lại dấu ấn trong chính sách ngoại giao khu vực với việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát dòng chảy vào sông Mekong thông qua mạng lưới đập thủy điện dày đặc mà nước này xây dựng trong 20 năm qua”.
Ông Ou Virak nhấn mạnh những con đập này không chỉ ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi trồng thủy sản ở các nước hạ nguồn như Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng đến nguồn cung nước trên dòng Mekong.
Tuổi Trẻ