MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện

25-05-2015 - 16:39 PM | Xã hội

Thống kê ngoài nhà nước có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng nên cần quy định phù hợp.

Sáng 25/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thống kê (sửa đổi).

Đánh giá việc thi hành Luật Thống kê năm 2003, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.

Tuy vậy, Luật Thống kê năm 2003 đã bộc lộ không ít những điểm quy định không còn phù hợp với thực tiễn đang vận động của đời sống xã hội và chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Chính phủ, của nhà nước đối với công tác thống kê và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ được sửa đổi, bổ sung toàn diện, căn bản, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành còn có hạn chế, không thống nhất, không phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động thống kê hiện nay, bổ sung các quy định về hoạt động thống kê mà Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ bao gồm 8 chương, 57 điều. So với Luật Thống kê năm 2003, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tăng 15 Điều.

Thẩm tra dự án Luật thống kê (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thống kê là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập của Luật Thống kê hiện hành như: Chất lượng, độ tin cậy của số liệu thống kê; chênh lệch số liệu thống kê giữa Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành về một số chỉ tiêu thống kê; công tác phân tích, dự báo thống kê; việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nguồn dữ liệu thông tin sẵn có; về hội nhập quốc tế đối với công tác thống kê.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thống kê nhà nước và hoạt động thống kê ngoài nhà nước.

 

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Tthống kê (sửa đổi) bao gồm thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước cho thấy sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện của dự thảo Luật đối với hoạt động thống kê của toàn xã hội.

Việc quy định thống kê ngoài nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Tập hợp ý kiến về dự án Luật Thống kê (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế thấy rằng, thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội, do vậy đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện.

Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định trong dự thảo Luật về hệ thống thông tin thống kê nhà nước gồm 4 cấp: Hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh và hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.

Việc quy định cụ thể, rành mạch và bảo đảm sự thống nhất trên toàn quốc trong hoạt động thống kê nhà nước sẽ nâng cao độ tin cậy, tính minh bạch, chính xác, kịp thời của thông tin thống kê nhà nước. Tuy nhiên, cần làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong việc kiểm tra, công bố thông tin thống kê; rà soát quy định phù hợp với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ xem xét tính kết nối thống nhất trong quá trình phân cấp thực hiện công tác thống kê, nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu nhất là chỉ tiêu GDP cả nước và GDP địa phương, chỉ tiêu việc làm mới, chỉ tiêu giảm hộ nghèo giữa bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan thống kê trong thời gian vừa qua, phù hợp với phương pháp thống kê thế giới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đối với việc bảo mật thông tin thống kê, Ủy ban Kinh tế đề nghị công tác thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Khắc phục tình trạng số liệu thống kê có sự chênh lệch lớn. Đồng thời quy định trách nhiệm của người có thẩm quyền công bố thông tin thống kê, quy định lịch công bố thông tin thống kê bảo đảm kịp thời cho việc hoạch định chính sách và đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, hoạt động thống kê nhà nước là sự độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và hiện nay hệ thống tổ chức thống kê đang vận hành ổn định, do đó nên duy trì mô hình tổ chức này, nhưng cần tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất.

Ủy ban Kinh tế phản ảnh một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống tổ chức thống kê tập trung. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê của hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước nhằm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên