Đường tới Long Thành: Bộ Giao thông xắn tay gỡ khó
Bộ GTVT đã chỉ đạo hai tỉnh, thành phố Đồng Nai và TP.HCM phải bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6.
- 19-03-2014Sai phạm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: VEC không thừa nhận?
- 19-03-2014Lộ chân tướng “đội giá” đường cao tốc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ đã làm việc với hai tỉnh, thành phố HCM và Đồng Nai về những vướng mắc xung quanh công tác giải phóng mặt bằng tại tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Hai tỉnh, thành phố này cũng đã hứa chậm nhất là đến 30/6 phải trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư thi công tuyến đường này", ông Trường nói.
Qua 2 năm khởi công xây dựng, đến nay một số đoạn của tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã hình hài. Tuy nhiên, ngày 30/3, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, dù đã thông xe 20 km đoạn TP.HCM đến QL51 thuộc tỉnh Đồng Nai.
Tại địa phận TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng còn tồn tại chủ yếu ở gói thầu số 9 (nút giao đường Vành đai 2). Tại tỉnh Đồng Nai, một số vị trí thuộc gói thầu 5A và 6 tiến độ đều chậm so với kế hoạch.
Tại gói thầu 5A (Km 23+900 - Km 37+800), dù Bộ GTVT yêu cầu phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015 nhưng hiện nhà thầu chính Posco E&C thi công mới đạt 3% kế hoạch.
Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Đồng Nai giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án;
Bộ GTVT đôn đốc UBND tỉnh Đồng Nai thu xếp vốn, nhanh chóng triển khai hạng mục xây dựng tuyến song hành thuộc dự án nhằm đảm bảo giao thông nội vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, an ninh quốc phòng địa phương, không làm ảnh hưởng đến thi công, khai thác tuyến cao tốc.
Theo đó, Bộ GTVT đã tức tốcchỉ đạo hai tỉnh, thành phố Đồng Nai và TP.HCM phải bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6.
TT hành chính Bình Dương có đường nối sân bay Long Thành
Ngày 20/2, tỉnh Bình Dương đã khánh thành tòa nhà chính trị hành chính tập trung.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, trung tâm hành chính tập trung là tòa nhà uy nghi, hiện đại, hội tụ tinh hoa của tỉnh Bình Dương và được kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành “một nền hành chính minh bạch, thân thiện và hiện đại”.
Ông Nam cũng cho biết, TP mới nằm ở vị trí rất thuận lợi để kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, các tỉnh Tây nguyên, miền Tây Nam Bộ, và đặc biệt là kết nối với TP.HCM thông qua các trục đường giao thông lớn như đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và các tuyến vành đai ngoài sẽ kết nối đến sân bay quốc tế Long Thành, các cảng biển quốc tế…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho rằng, 3 tuyến đường giao thông quan trọng sẽ được hoàn thành trong năm nay sẽ kết nối phát triển với nhiều vùng kinh tế trọng điểm gồm đường Phạm Ngọc Thạch, Mỹ Phước – Tân Vạn, đường 7A.
Trong đó, tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn là tuyến đầu tư xây dựng nhằm kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cảng Thị Vải, sân bay Long Thành… Tuyến này dài 26,7 km, quy mô 6 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.794 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Hội thảo đóng góp ý kiến Báo cáo đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, tổng chi phí cho giai đoạn một của dự án ước tính hơn 5,6 tỷ USD. Trong đó, vốn Nhà nước và ODA chiếm khoảng 53%, còn lại là tư nhân.
Ngoài ra, để có đất giao cho chủ đầu tư, tỉnh Đồng Nai sẽ phải thu hồi đất của 10.000 dân, khiến chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng tốn thêm 20.770 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Trước mắt, năm 2013 lãnh đạo tỉnh kiến nghị Chính phủ bố trí 470 tỷ đồng để lập hồ sơ thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không cho rằng việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là hơi muộn, cần cấp thiết ưu tiên đầu tư xây dựng nhanh chóng.
Việc đầu tư xây sân bay Long Thành được cho là khả thi, tỷ suất hoàn vốn dự án khoảng 22,1%, cao hơn mức tiêu chuẩn cho các công trình công cộng tại Việt Nam từ 10% đến 12%. Song, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật cũng góp ý nên cân nhắc đến gánh nặng nợ nước ngoài.
Theo Thái An