Hà Nội “xin” ngân sách gần 2.200 tỉ đồng giảm ùn tắc
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa có tờ trình “xin” HĐND TP duyệt ngân sách gần 2.200 tỉ đồng để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020.
- 29-10-2015Mỗi năm, TP HCM mất hơn 1 tỷ USD vì ùn tắc giao thông
- 26-10-2015Hà Nội tháo dỡ lô cốt bỏ hoang gây ùn tắc
- 24-10-2015Yêu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tăng giải pháp giảm ùn tắc
- 10-10-2015Chuyên gia Hàn Quốc 'hiến kế' giảm ùn tắc ở Hà Nội
- 05-10-201530 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, ùn tắc kéo dài ở đường Trường Chinh
- 17-09-2015Những “điểm đen” thường xuyên úng ngập và ùn tắc tại Hà Nội
Đề nghị trên lập tức nhận được “cảnh báo” việc đầu tư trên sẽ không hiệu quả nếu Hà Nội tiếp tục cho xây nhà ở cao tầng ngay trong nội đô.
Bên muốn giảm, bên cứ xây
Tờ trình do ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký trình HĐND thành phố cho rằng, sau ba năm 2013-2015 thực hiện chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, tình hình ùn tắc đã giảm rõ rệt, số điểm ùn tắc giảm từ 89 xuống còn 51 điểm.
Với chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trong 5 năm tới, UBND thành phố đưa ra mục tiêu giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc, đổi lại nguồn vốn ngân sách cần phân bổ là 2.167 tỉ đồng.
Ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, khi xem xét chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020, các cơ quan của hội đồng đều cho rằng chiến lược và giải pháp về phát triển giao thông, cải thiện ùn tắc là vấn đề dài hơi.
“Còn lần xem xét chương trình mục tiêu này, chúng tôi chỉ chọn quyết những vấn đề thật sự then chốt, nó nằm gọn trong một số giải pháp cấp thiết, tiếp nối các giải pháp thành công từ chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giai đoạn 2013-2015” - ông Hoạt cho hay.
Theo ông Hoạt, ở giai đoạn 2013-2015, có những giải pháp giảm ùn tắc đã được đánh giá là thành công như việc đầu tư xây dựng 7 cầu vượt.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất ngay báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, đó là việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông không theo kịp sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố.
“Nguyên nhân ở chính những quyết sách của thành phố cho xây dựng nhà ở cao tầng ngay trong nội đô. Ngay trong báo cáo sau hơn hai năm thực hiện Luật thủ đô, Hà Nội đã nêu, qua việc di dời nhiều trụ sở của các bộ, ngành, sau di dời phần lớn được làm các công trình nhà ở, trung tâm thương mại. Tôi cho rằng dân số tăng, phương tiện giao thông gia tăng, áp lực giao thông tăng chính là ở chỗ đó” - một chuyên gia cảnh báo.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, đang có một quy trình ngược ở Hà Nội trong việc đầu tư cho hạ tầng giao thông và việc cho phép các công trình nhà ở cao tầng mọc lên ngay trong nội đô Hà Nội.
“Ngược ở chỗ một bên muốn giảm bớt ùn tắc giao thông, một bên vẫn cho xây dựng nhà ở cao tầng trong nội đô. Điều này là mâu thuẫn mà nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nói. Tôi cho rằng đầu tư về hạ tầng giao thông là đúng, nhưng đầu tư đó có hiệu quả không khi chính thành phố tự tạo sự gia tăng dân số trong nội đô qua việc cho phát triển các công trình nhà ở cao tầng trong nội đô” - ông Liên cảnh báo.
Ùn tắc vẫn phức tạp
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, với tốc độ tăng phương tiện trung bình khoảng 10%/năm, dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào.
Ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho biết việc thực hiện tiếp chương trình mục tiêu về giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông là kiến nghị của UBND thành phố, Ban Pháp chế cũng đề nghị và Thành ủy Hà Nội cũng đồng ý.
Tuy nhiên, theo ông Nam, chương trình mục tiêu lần này thực chất chỉ xem xét 3 nội dung lớn cần triển khai.
Thứ nhất, triển khai xây dựng tiếp 16 dự án cầu vượt ở điểm nút giao thông quan trọng, trong đó có 10 dự án chuyển tiếp của giai đoạn mục tiêu 2013-2015 do bị cắt giảm ngân sách, và 6 dự án đầu tư mới.
Thứ hai, xem xét các giải pháp về khớp nối hạ tầng giữa các tuyến, các trục đường, các điểm nút.
Thứ ba, tiếp tục lắp đặt camera ở các nút giao thông chưa có. Mục tiêu nhằm kết hệ thống camera này với trung tâm hướng dẫn, điều tiết giao thông. Đồng thời đẩy mạnh cả việc xử lý phạt nguội.
Cũng theo tờ trình của UBND thành phố, ngoài các giải pháp về đầu tư công trình, tổ chức lực lượng, Hà Nội xác định trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc cần thực hiện cả giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư trong khu vực nội đô.
Theo ông Nam, với thực tế nhìn thấy hiện nay, đó là tốc độ đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa theo kịp so với phát triển nhà ở cao tầng.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, để giải quyết hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, ngoài giải pháp tổng thể, giải pháp về đầu tư cho hạ tầng giao thông là việc làm đúng hướng.
“Quan trọng hơn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa mong muốn giảm ùn tắc và phát triển khu đô thị đòi hỏi tư duy khoa học của các vị lãnh đạo. Tư duy đó có định hướng lâu dài không hay chỉ là tư duy theo nhiệm kỳ. Tôi cho rằng phải tư duy định hướng, tránh tư duy nhiệm kỳ mới giải quyết được hiệu quả tình trạng ùn tắc” - ông Liên khuyến cáo.
700 triệu đồng lập đề án hạn chế phương tiện cá nhân
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký trình HĐND thành phố phương án dùng nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế để thực hiện việc lập đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thành phố.
Nguồn vốn chi xây dựng đề án này được đề nghị là 700 triệu đồng, đề xuất phân bổ vốn ngay trong năm 2016 để thực hiện việc xây dựng đề án.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc lập đề án là cần thiết, nhưng việc hạn chế phương tiện cá nhân phải có lộ trình.
Tuổi trẻ