Hà Tĩnh: Yêu cầu Formosa rà soát lại an toàn lao động toàn bộ các dự án
Sau vụ tai nạn lao động thảm khốc khiến 13 người chết, 28 người bị thương, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu Formosa phải rà soát lại toàn bộ các dự án về vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Những đơn vị nào không chấp hành, sẽ đình chỉ thi công, dừng ngay hợp đồng...
- 27-03-2015Sập giàn giáo tại Formosa: Hai năm liên tiếp không được kiểm tra
- 27-03-2015Sập giàn giáo tại Formosa: Trách nhiệm thuộc về ai?
- 26-03-2015Tai nạn sập giàn giáo tại Formosa đã được cảnh báo trước?
Đình chỉ thi công, dừng ngay hợp đồng
Văn bản số 1249 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 27/3, do PCT Đặng Quốc Khánh ký, nhấn mạnh: Sự cố sập giàn giáo thi công xảy ra ngày 25.3.2015 tại khu vực thi công giếng chìm (cầu cảng số 7) của Công ty SamSung (nhà thầu thi công của Formosa) đã làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Những mất mát xảy ra quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Đây là bài học lớn của chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác an toàn lao động.
Để kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu: "Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh khẩn trương thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra, rà soát, làm việc với từng nhà thầu, tại từng hạng mục công trình trên toàn dự án về công tác đảm bảo an toàn, bảo hộ, vệ sinh lao động. Đình chỉ ngay việc thi công các công trình nếu chưa đảm bảo quy định về an toàn. Đối với các trường hợp không chấp hành, yêu cầu chấm dứt hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật"
Văn bản yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trước ngày 10/4. Đồng thời phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nếu trên để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.
"Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tai nạn lao động chết người tại Dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương", - theo văn bản.
Đoàn liên ngành Hà Tĩnh khó truy ra nguyên nhân
Một ngày sau khi xảy ra vụ sập giàn giáo, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định thành lập đoàn liên ngành gồm LĐLĐ Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và các Sở: Xây dựng, LĐTBXH, Y tế điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Trao đổi với báo chí ngày 29/3, ông Lê Tiến Dũng - PGĐ Sở LĐTBXH Hà Tĩnh - cho biết, Đoàn đang làm đề cương để bắt đầu điều tra vì cần phải có thời gian. Cũng theo ông Dũng, hệ thống máy móc, thiết bị nơi xảy ra sự cố sập giàn giáo hiện đại, phức tạp nên về mặt kỉ thuật, Đoàn sẽ không thể làm được. "Đương nhiên là sẽ phải trưng cầu nhờ đến các Bộ", - ông Dũng nói.
Một công nhân bị thương điều trị tại bệnh viện Hà Tĩnh, đang chuyển viện ra Hà Nội vào ngày 28/3
Một diễn biến khác, chiều ngày 29/3, bà Trần Thị Dung - PGĐ Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh - cho biết, đến thời điểm này, bệnh viện đã chuyển 6 bệnh nhân bị thương trong vụ tai nạn lao động ở Formosa ra Hà Nội điều trị. Trường hợp chuyển gần nhất là đêm 28/3 do chấn thương sọ não, hội chẩn thấy không ổn.
Cũng theo bà Dung "quan điểm chỉ đạo của tỉnh là làm sao để công nhân bị thương được cứu chữa trong điều kiện y tế tốt nhất để họ sau xuất viện, phục hồi trở về có thể lao động được. Do vậy, ngày mai bệnh viện sẽ hội chẩn toàn bộ 16 bệnh nhân đang điều trị, sau đó có thể tiếp tục cho chuyển viện". Bà Phan Thị Xuân Liễu - GĐ Bệnh viện Kỳ Anh - cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 6 công nhân bị thương của vụ sập giàn giáo. Cả 6 người này đã ổn định, sắp được xuất viện.
Về thông tin, ngày 28/3, Công ty SamSung - nhà thầu nơi xảy ra tai nạn quyết định hỗ trợ cho mỗi công nhân tử vong 300 triệu và 50 triệu tiền mai táng, ngoài ra 1 trường hợp tử vong còn được chi trả 50 triệu tiền bảo hiểm, tổng nhận là 400 triệu, ngày 29/3, trao đổi với PV Lao Động, nhiều lãnh đạo Hà Tĩnh đều cho biết, họ chưa nắm được thông tin này.
Văn bản yêu cầu Formosa rà soát vấn đề an toàn lao động
Theo Trần Tuấn