MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai Thứ trưởng cùng lúc "hứa" thay đổi giao thông

03-02-2014 - 08:23 AM | Xã hội

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định sẽ thay đổi diện mạo giao thông bằng những công trình giao thông lớn khởi công trong năm 2014.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lại cho biết phương châm hành động để giành thắng lợi của ngành giao thông.

Thay đổi diện mạo ngành giao thông

Trên chinhphu.vn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, diện mạo ngành giao thông sẽ có thay đổi lớn, năm 2014, ngành Giao thông sẽ khởi công 35 công trình giao thông lớn. Như vậy, cùng với 78 công trình đã được khởi công trong năm 2013 đặc biệt ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Ví dụ, ở khu vực Hà Nội, việc hoàn thành dự án Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và dự án đường dẫn từ cầu Nhật Tân đến sân bay cùng với các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho phát triển kinh tế khu vực này.

Còn ở TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng việc hoàn thành dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, một trục cửa ngõ phía Đông của thành phố này thôi cũng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế rõ rệt cho vùng kinh tế trọng điểm sôi động nhất cả nước.

Vì vậy, vấn đề hiệu quả đầu tư của các dự án được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhắc đến nằm trong bài toán tổng thể. Để xác định hiệu quả đầu tư, ông Đông cho biết sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, trong đó tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở quy hoạch chiến lược đã hoạch định và đánh giá mức độ ưu tiên của các dự án trước khi đưa vào danh mục bố trí vốn .

Năm 2014, Bộ tiếp tục rà soát các dự án đang thực hiện, cắt giảm những gì chưa cần thiết, nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các hình thức đầu tư thu hút nguồn vốn xã hội vẫn đang tiếp tục được kêu gọi các nhà đầu tư. Nhưng ông Đông cho biết, một trong khâu mấu chốt đó là phải tiếp tục cùng các bộ ngành khác như Kế hoạch Đầu tư, Tài chính hoàn thiện thể chế, vì thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư luồng ngoài ngân sách của chúng ta còn hạn chế, ví dụ như tính phí như thế nào, ưu đãi với nhà đầu tư ra sao cũng phải thể chế hóa, chi tiết hóa hơn trong hệ thống văn bản.

Quyết liệt đổi mới

Trong khi đó, trả lời TTXVN nhân dịp Tết Giáp Ngọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, năm 2014,ngành sẽ đề ra phương châm hành động : “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa và phát triển hơn nữa”; siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện đồng thời siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát…. thực hiện tái cơ cấu các Tổng công ty và đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng.

Vì vậy, toàn ngành sẽ phấn đấu tăng trưởng bình quân 6% về tấn hàng hóa và 7% về lượt hành khách so với năm 2013; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án trọng điểm. Cùng với đó, Bộ cũng thực hiện xuyên suốt các chủ đề giao thông 2014 như “Siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát”, “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”...

Theo đánh giá của ngành giao thông, ông Trường cho biết, dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2013 ngành giao thông Vận tải đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác. Đặc biệt, năm 2013, năm thứ hai liên tiếp tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí và số người chết dưới 10.000 người. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Trong quản lý đầu tư, đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý. Tổng số vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đến năm 2013 đạt khoảng 117.000 tỷ đồng/48 dự án BOT đồng thời cũng đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng/26 dự án, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỷ đồng (chiếm 43% tổng mức đầu tư).

Ngoài ra, ngành cũng chú trọng vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hoá, tiết giảm chi phí các Tổng công ty. Bộ đã thực hiện cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có quy mô lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam và 10 Tổng công ty do Bộ quyết định thành lập theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, kiềm chế tai nạn giao thông chưa thật sự bền vững. Số người chết vì tai nạn giao thông chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ 2012, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra...

Nhằm hạn chế và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2014, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2013. Năm an toàn giao thông 2014 sẽ được gắn với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe”.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, triển khai thực hiện tái cấu trúc thị trường vận tải, tăng cường công tác thanh tra quản lý hoạt động vận tải...; tập trung nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả vốn ODA và nguồn vốn vay thương mại ưu đãi để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm.

Theo H.L

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên