Hạn chế phương tiện cá nhân, người dân sẽ đi bằng gì?
Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm là lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố lớn.
Câu hỏi lớn mà nhân dân đưa ra rằng: "Nếu hạn chế phương tiện cá nhân, người dân sẽ đi bằng gì?
Từ nay tới quý I - 2014, 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng sẽ cùng với Bộ GTVT xem xét lại các quy hoạch, đề án quản lý vận tải trên địa bàn để xây dựng thành một chương trình hành động với lộ trình cụ thể về phát triển hợp lý phương tiện vận tải tại đô thị.
Trong đó, việc xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố lớn là nội dung được nhiều người quan tâm. Xung quanh vấn đề này, đã có nhiều ý kiến đưa ra, bởi trước đây vào năm 2005 Hà Nội đã từng tạm dừng đăng ký mới xe máy tại một số quận trung tâm, nhưng chỉ vài tháng sau đã phải dỡ bỏ quy định này.
Để tìm hiểu những vấn đề xung quanh lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố lớn, chương trình Cuộc sống thường ngày đã có cuộc trao đổi với TS Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia.
- Thưa TS, trong lộ trình về phát triển hợp lý phương tiện giao thông vận tải đô thị có nhiều nội dung, nhưng nội dung khiến nhiều người dân lo lắng là việc hạn chế phương tiện cá nhân thì sẽ đi bằng gì và hạn chế cụ thể ra sao? Xin ông cho biết quan điểm của mình.
TS Khương Kim Tạo: Đối với bản thân tôi, câu hỏi của nhân dân là rất đúng, “Nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì đi bằng gì?” - có nghĩa vấn đề mấu chốt là các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo ra các phương thức vận tải để thay thế cho phương tiện cá nhân trước. Phương tiện vận tải công cộng thay thế phải có tính ưu việt cao hơn so các phương tiện cá nhân đang lưu thông, có như vậy nhân dân sẽ tự động cất xe máy ở nhà và sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Đây là giải pháp êm thuận mà không có thiệt hại về kinh tế cũng như tồn tại những vấn đề bức xúc trong nhân dân.
- Trước đây chúng ta đã tiến hành nhiều biện pháp giảm tải các phương tiện xe máy, như Hà Nội đã ngừng đăng ký xe máy ở các quận trung tâm, sau đó lại dừng lại. Vậy theo ông liệu đây có trở thành vòng luẩn quẩn khó có thể dứt ra để chúng ta có thể làm cho tốt hơn hay không?
TS Khương Kim Tạo: Tôi cho rằng, nếu chỉ nghĩ đến cấm để thực hiện được mục tiêu sẽ đi sai với đường lối phát triển của xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân. Mục đích của chúng ta là nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần, bao gồm cả vấn đề về quyền đi lại và tiện nghi đi lại.
Vậy điều quan trọng là cơ quan chức năng phải làm được những điều tốt hơn cho dân, hơn những gì mà nhân dân đang sử dụng, có như vậy mới nên đưa vào áp dụng. Còn nếu những thay đổi gây nên sự khó khăn, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng sự phát triển kinh tế hiện tại, tương lai thì nhất định phải tránh.
Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý cũng cần đưa ra những biện pháp để áp dụng hơn là biện pháp cấm đoán. Giải pháp cấm đoán là giải pháp đơn giản nhất, thô sơ nhất mà chúng ta có thể áp dụng, rất hạn chế sử dụng phương pháp này.
Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chi tiết cuộc trao đổi của phóng viên với TS Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phóng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, cũng như ý kiến của người dân đối với lộ trình phát triển hợp lý phương tiện giao thông vận tải đô thị.