MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 55 nghìn tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo trong 5 năm

04-06-2015 - 16:07 PM | Xã hội

“Đừng có lo khi cho người nghèo vay vốn. Nợ xấu khi cho hộ nghèo vay chỉ khoảng 0,4- 0,5% thôi”.

Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, chiều 3/6.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo đề xuất của Bộ thì tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến dưới 5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực bãi ngang, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những nơi này giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo cao.

Do vậy, mục tiêu tổng quát của chương trình giảm nghèo giai đoạn mới là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1- 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình trong 5 năm tới là 42.807,94 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư là 29.934,50 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 12.873,44 tỷ đồng và chủ yếu là từ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cố gắng cân đối để bố trí mức tối đa cho Chương trình, đồng thời không được cắt giảm vốn khi lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Dù ngân sách bố trí được đến đâu nhưng dứt khoát phải ưu tiên cho giảm nghèo ở vùng có tỷ lệ nghèo cao. Các bộ, ngành xác định nhu cầu đầu tư ở địa phương để tính toán tỷ lệ vốn cho đầu tư giảm nghèo”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Phó thủ tướng cũng lưu ý hai bộ trên tăng nguồn cho vay và mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nếu không dễ bị tái nghèo.

“Đừng có lo khi cho người nghèo vay vốn. Nợ xấu khi cho hộ nghèo vay của Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại rất thấp, chỉ khoảng 0,4- 0,5% thôi”, Phó thủ tướng nói.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nếu điều kiện cho phép và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí tăng thêm nguồn lực để giảm nghèo thì dự kiến tổng kinh phí thực hiện sẽ là 56.107,35 tỷ đồng.

Theo Bảo Nguyên

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên