MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp Quốc hội] Nỗi lòng người nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận

30-10-2014 - 09:22 AM | Xã hội

Theo luật đất đai, nông dân muốn trồng thanh long phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là những việc nông dân làm hiện nay là trái phép.

Ngày 30/10/2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục diễn ra. Hôm nay, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Tại phiên họp sáng nay, đại biểu tỉnh Bình Thuận đã nêu lên các vấn đề còn vướng mắc trong ngành nông nghiệp nói chung và nỗi lòng của người nông dân trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Theo đó, trong báo cáo của Chính phủ, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2014 tăng 2,4% so với cùng kỳ, mức tăng của ngành thủy sản là 49%. Trong ngành thủy sản, lĩnh vực nuôi trồng tăng 5% - cao hơn lĩnh vực khai thác (chỉ tăng 4,7%).

“Vì sao thấp hơn? Do năng lực ngành hay do tư duy chiến lược? Báo cáo chính phủ chưa nói rõ điều này” – Đại biểu đặt câu hỏi.

Trong khi nước ta có những điều kiện vô cùng thuận lợi như nguồn biển rộng lớn, nguồn hải sản phong phú, vốn đầu tư đang được rót vào để đầu tư nghề cá, vậy mà sản lượng lại thấp.

“Cứ như vậy nước ta còn lâu mới trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Điều này là không hợp lý, không tương xứng với tiềm năng của nước ta” – đại biểu nhấn mạnh.

Chính vì vậy, đại biểu tỉnh Bình Thuận kiến nghị, đầu tư nguồn lực vào kinh tế biển không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế mà còn có góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Đề nghị Chính Phủ có giải pháp đồng bộ hơn, có sự đầu tư tích cực hơn.

Riêng vấn đề về nông nghiệp tại Bình Thuận, đại biểu cho biết Chính phủ đã có chính sách cho phép sử dụng đất lúa một cách linh hoạt và hiệu quả và hiện từng vùng đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo lợi thế của vùng. Tại Bình Thuận, thanh long là loại cây phù hợp nhất, đem lại giá trị kinh tế cao, thành thương hiệu đặc sản của vùng đất này giúp nông dân làm giàu.

Trong khi một ha lúa đạt năng suất cao chỉ cho thu nhập 10 triệu đồng/vụ thì 1ha thanh long trung bình đem lại 200 triệu đồng/năm. Vì thế hiện nay Nông dân nhiều nơi tại Bình Thuận đã chuyển nhiều diện tích lúa năng suất thấp sang trồng thanh long. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2015, toàn tỉnh có 15.000 ha thanh long nhưng đến nay đã có gần 25.000 ha và nông dân chưa dừng lại ở diện tích này. Mặc dù trên thực tế tỉnh có điểm mạnh về thanh long nhưng văn bản pháp lý cụ thể cho phép nông dân chuyển diện tích lúa sang trồng thanh long mãi đến nay vẫn còn bất cập.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp đồng ý cho nông dân trồng thanh long trên đất lúa nhưng Bộ Tài nguyên môi trường vẫn còn Quyết định số 28 quy định thanh long là câu trồng lâu năm. Theo luật đất đai, nông dân muốn trồng thanh long phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là những việc nông dân làm hiện nay là trái phép.

Đại biểu cho biết, ở một số xã, khi ủy ban lập biên bản phạt hành chính, bà con sẵn sàng nộp phạt để được trồng thanh long. Vấn đề này đã được kiến nghị nhiều lần nhưng Bộ Tài nguyên môi trường chưa trả lời.

“Phải thấy rằng việc trồng thanh long như kiến nghị vẫn giữ được quỹ đất lúa, khi cần có thể nhổ thanh long trồng lúa. Vậy nếu theo QĐ 28, nếu khi cần trồng lúa lại, nông dân lại phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lần nữa chăng?” – Đại biểu đặt câu hỏi.



Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên