Hủy án vụ công ty An Khang lừa hàng trăm tỉ đồng
TAND tối cao đã tuyên hủy án vụ Công ty An Khang lừa đảo hàng trăm tỉ đồng của các ngân hàng tại Cần Thơ.
- 05-08-2014Truy tố 8 cán bộ ngân hàng VDB và Vietinbank trong vụ án Công ty An Khang
- 27-02-2014Vụ Công ty CP Địa ốc An Khang chiếm đoạt 390 tỷ đồng: Hủy quyết định thu hồi đất trái pháp luật
- 25-02-2014Vụ lừa đảo tại Công ty CP địa ốc An Khang: Xác định 285 bị hại
- 16-08-2011Cần Thơ: Công ty TNHH An Khang có dấu hiệu kinh doanh lừa đảo
- 16-08-2011Xung quanh việc Công ty TNHH An Khang vỡ nợ hơn 300 tỷ đồng
Đây là một trong những vụ lừa đảo có giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn nhất miền Tây với số tiền lên đến gần 200 tỉ đồng.
Lập khống chứng từ, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH An Khang được thành lập năm 2004 do ông Nguyễn Hồng Quân (66 tuổi) làm giám đốc.
Năm 2009, ông Quân đã giao lại cho con gái là Nguyễn Thị Thu Sương (40 tuổi) làm phó giám đốc, điều hành mọi hoạt động của công ty chuyên về chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Thời điểm 2009 - 2010, công ty làm ăn thua lỗ nên cha con ông Quân phải thế chấp tất cả bất động sản của công ty và cá nhân.
Để giữ “lý lịch đẹp” với các ngân hàng, bà Sương đã vay nợ của nhiều người bên ngoài trả lãi cho ngân hàng và để trả nợ cho những chủ nợ này, bà Sương lại thế chấp hàng tồn kho và tài sản khác của công ty để tiếp tục vay tiền ngân hàng.
“Giấu nợ” được một thời gian, doanh nghiệp An Khang do bà Sương điều hành mất khả năng cân đối thu chi.
Đến lúc này, bà Sương lao vào con đường chiếm đoạt tiền bất hợp pháp bằng cách lập khống các chứng từ hàng hóa để vay tiền ngân hàng; dùng một tài sản để thế chấp vay tiền của các ngân hàng khác nhau để lấy khoản nợ này lấp vào khoản nợ khác và chi xài cá nhân.
Đến khi vụ việc đổ bể, công ty An Khang nợ ngân hàng trên 105 tỉ đồng và gần 4,4 triệu USD nhưng không còn khả năng thanh toán.
Cụ thể, trong thời gian làm phó giám đốc Công ty An Khang, bà Sương cùng thuộc cấp đã lập khống 44 bộ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại VietinBank chi nhánh Trà Nóc hơn 6,4 triệu đôla, chiếm đoạt gần 4,4 triệu đôla (tương đương khoảng 87 tỉ đồng); ký khống hợp đồng mua nguyên liệu, xuất khẩu để làm thủ tục vay, lừa đảo chiếm đoạt của VDB chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang hơn 75 tỉ đồng; làm khống 3 bộ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Cần Thơ hơn 4,9 tỉ đồng, chiếm đoạt hơn 3,9 tỉ đồng; kê khống hàng tồn kho, làm thủ tục khống vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á chi nhánh Cần Thơ hơn 14,9 tỉ đồng; chiếm đoạt của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Tây Đô hơn 11 tỉ đồng.
Tòa sơ thẩm xử chưa thuyết phục
Ngày 15-1, hai cha con ông Quân, bà Sương và chồng bà Sương là Hồ Thanh Bình cùng ba nhân viên khác của công ty An Khang bị đưa ra xét xử với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng hầu tòa còn có 8 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng đã để cho Sương và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn gồm: Lương Quang Minh - nguyên giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang; Nguyễn Thị Mai - nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu VDB; Lâm Chí Công - phó phòng tín dụng xuất khẩu VDB; Trần Thị Phương - nguyên giám đốc ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Trà Nóc; Trần Việt Hải - nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Trà Nóc và Võ Văn Phi - nguyên trưởng phòng khách hàng VietinBank chi nhánh Trà Nóc…
Tòa sơ thẩm đã tuyên bị cáo Sương 20 năm tù; tuyên phạt Trần Thị Phương 10 năm tù và Lương Quang Minh 7 năm tù. Các bị cáo nguyên là cán bộ của các ngân hàng bị tuyên mức án từ 3 năm đến 6 năm tù.
Tòa sơ thẩm cũng chuyển tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội nhẹ hơn là tội “vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” đối với 5 bị cáo, gồm Nguyễn Hồng Quân - giám đốc Công ty TNHH An Khang với 2 năm tù cho hưởng án treo; Hồ Thanh Bình - chồng bị cáo Sương, Nguyễn Văn Thuận, Lê Thanh Phong cùng mức án tù 3 năm; Nguyễn Cao Hoa Anh Đào 2 năm tù.
Sau án sơ thẩm, một số bị cáo nguyên là cán bộ của các ngân hàng có đơn kháng cáo; ngân hàng Vietinbank chi nhánh Trà Nóc cũng kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự; VKS cũng kháng nghị một phần bản án mà tòa sơ thẩm đã tuyên theo hướng đề nghị mức án nặng hơn đối với các bị cáo tại công ty An Khang.
Tại phiên tòa sáng 13-11, tòa phúc thẩm TAND tối cao đã đánh giá bản án sơ thẩm có những sai sót trong xác định tội danh của các bị cáo tại công ty An Khang là đồng phạm của bị cáo Sương, tòa sơ thẩm cũng giải quyết trách nhiệm dân sự chưa chính xác.
Một số bị cáo thuộc nhóm ngân hàng, tòa phúc thẩm nhận định có dấu hiệu vị phạm các quy định cho vay tại khoản 3, điều 179, nhưng tòa sơ thẩm lại xử các bị cáo tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa thuyết phục.
Tòa phúc thẩm cũng nhận định trong trường hợp này cũng cần có giám định chuyên môn về tư pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với các thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra. Án sơ thẩm cũng giải quyết trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường chưa chính xác.
Tòa phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội danh các bị cáo nguyên là cán bộ của các ngân hàng và chấp nhận kháng nghị của VKS với tội danh của các bị cáo nguyên là người của công ty An Khang. Hủy toàn bộ phần xét xử trách nhiệm dân sự của vụ án mà tòa sơ thẩm đã tuyên để thu thập, đánh giá lại toàn bộ để giải quyết thiệt hại. Giao hồ sơ vụ án cho VKSND TP Cần Thơ giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tuổi trẻ