Khánh thành tuyến đường huyết mạch của Tây Nguyên
Ngày 11/7, Dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và Bình Phước đã chính thức khánh thành. Đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là TPHCM và Đà Nẵng.
- 27-06-2015Khánh thành Trung tâm Đào tạo cán bộ quản lý năng lượng
- 02-06-2015Quảng Bình: Khánh thành nhiều công trình trên tuyến QL1 và 1A
- 30-04-2015Khánh thành Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy
- 25-04-2015Đà Nẵng khánh thành đường Bà Nà - Suối Mơ
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Giao thông vận tải cùng với các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước tổ chức Lễ khánh thành dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và Bình Phước tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Đây là một trong 5 công trình trọng điểm quốc gia, là tuyến đường xuyên Việt thứ hai, phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, cùng với Quốc lộ 1 giữ vai trò trục đường xương sống Bắc-Nam, tạo thế liên hoàn vững chắc để phát triển hệ thống đường ngang, các trục hành lang Đông-Tây và cùng với đường Xuyên Á, tạo sự thông thương với các nước láng giềng.
Tại buổi lễ, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cùng các nhà đầu tư, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp đột phá, huy động, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, không những hoàn thành công trình sớm trước 18 tháng mà còn bảo đảm chất lượng. Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh Tây Nguyên có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua khai thác có hiệu quả, thực hiện các giải pháp hữu hiệu để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước (trùng với Quốc lộ 14 cũ) có tổng chiều dài 663 km từ Đắk Zôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước).
Đoạn từ Đắk Zôn đến Tân cảnh (Kon Tum) có chiều dài 110 km, được đầu tư trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 đến năm 2007). Đoạn từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 553 km, được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2. Trong đó, khoảng 134 km đi qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với thành phố Pleiku (Gia Lai) được triển khai từ cuối năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2013.
Dự án còn lại 419 km, chia thành 11 dự án thành phần đã được đầu tư trong giai đoạn 2013-2015. Theo đó, 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng chiều dài 212 km, có tổng mức vốn đầu tư 7.080 tỷ đồng; 5 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), tổng chiều dài xây dựng là 207 km, với tổng mức vốn đầu tư 5.994 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (Quốc lộ 14) và mở rộng 2 bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn… Như vậy, sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng về đích trước tiến độ 1 năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và các địa phương này nói riêng. Đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là thành phố Hồ Chí Minh (miền Nam) và thành phố Đà Nẵng (miền Trung), rút ngắn 1/3 thời gian đi lại giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực phía Nam của Tổ quốc.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.