Khi “Tư lệnh" ngành xin lỗi
Thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi xin lỗi người dân, hành khách!”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm trước một sự cố mới đây thuộc lĩnh vực mà ông là “ Tư lệnh" ngành.
Phải thừa nhận rằng, trước chuyến bay “đi Đà Lạt đến Cam Ranh” của hãng hàng không VietJet Air gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua, sẽ rất khó để đưa ra lời xin lỗi như trên nếu như vẫn tư duy theo cách cũ về trách nhiệm của cơ quan công quyền.
Lý do của lời xin lỗi được Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích: Vi phạm trực tiếp là VietJet Air, nhưng có trách nhiệm rất nhiều của các cơ quan quản lý. Quản lý Nhà nước là người cấp phép, hướng dẫn tất cả hoạt động hàng không. Nếu Cục Hàng không làm kiên quyết, hết trách nhiệm thì sự cố đã không xảy ra. Nói cách khác, Cục Hàng không có thể lường trước và phải lường trước được khả năng VietJet Air sẽ gây ra sự cố an toàn hàng không nghiêm trọng như vậy.
Thực tế thì khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã hành xử theo cách tư duy cũ, khi thay vì sự việc thế nào nói đúng như thế là nhanh nhất, cầu thị nhất, thìlại trao đổi với nhau để bàn cách đưa ra thông tin thế nào, thậm chí là bưng bít thông tin.
Cách đây chưa lâu, dư luận từng lên tiếng mạnh mẽ trước phát ngôn của một cán bộ khác dưới quyền Bộ trưởng Đinh La Thăng khi nói về việc kinh phí một dự án đường sắt đô thị đội thêm 339 triệu USD: "Điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên". Với phát ngôn rất thiếu trách nhiệm này, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam sau đó đã bị đình chỉ công tác, song nó cũng cho thấy “bệnh” của không ít cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm với công việc.
Từ lời “than vãn” của ông Cục trưởng Đường sắt cho đến lời xin lỗi của “Tư lệnh” ngành Giao thông là một bước tiến dài về “đổi mới nhận thức”. Đó là quá trình từ chỗ chưa thấy hết mức độ nghiêm trọng của vụ việc, không thừa nhận trách nhiệm cho đến thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm. Sau đó nữa là từ chỗ nhận lỗi, nhận trách nhiệm trực tiếp trong các vụ việc cho đến thừa nhận trách nhiệm gián tiếp, dù không trực tiếp gây ra sự cố.
Có thể nói Bộ Giao thông vận tải đã rất nỗ lực trong việc thực hiện chỉ đạo được PhóThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ: Khi giao tiếp và giải quyết công việc cho nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải biết thực hiện“4 xin”: “Xin chào - Xin lỗi - Xin phép - Xin cảmơn”.
Không chỉ “tuýt còi”những biểu hiện vô trách nhiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện "4 xin" và thêm cả "4 luôn" (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ), mà đơn vị đầu tiên được Bộ trưởng giao nhiệm vụ là Tổng Công ty Đường sắt.
Sau đó, các đơn vị trong ngành Hàng không cũng phát động yêu cầu “4 xin”, “4 luôn” này. Tinh thần này tiếp tục lan tỏa đến các đơn vị khác thuộc ngành Giao thông vận tải. Báo chí đã phản ánh những tín hiệu đáng mừng trên các tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai và Cầu Giẽ-Ninh Bình, với cách ứng xử thân thiện, lịch sự của các nhân viên vận hành, thu phí và bảo trì đường đối với những người tham gia giao thông.
Với lời xin lỗi của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông đã đi đầu, nêu gương trong ngành Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Không có gì cầu thị hơn là sự nhìn nhận trách nhiệm kịp thời để khắc phục khuyết điểm, không có gì khiến người dân tin, không có biện pháp quan hệ công chúng nào tốt hơn là nói đúng sự thật.
Người dân còn có thể viện cớ rằng “không biết thì không có lỗi” nhưng cơ quan công quyền thì không thể đổ thừa như vậy, bởi trách nhiệm của anh là phải biết, phải lường trước được mọi khả năng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “dân dốt”, tức là dân vì không biết mà phạm lỗi, thì cũng là lỗi của Đảng, của Chính phủ. Trên tinh thần ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã rất chân thành nói tại hội nghị Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 28/4: “Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó”.
Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đã “ghi điểm” với báo chí và dư luận nhờ tinh thần cầu thị, quyết liệt, trách nhiệm qua từng vụ việc. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đánh giá rằng Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, trong đó nổi bật là Bộ Giao thông vận tải, đã có những nỗ lực rất lớn với những đổi mới vượt bậc như thế.
Người dân và các đại biểu Quốc hội luôn là những vị “giám khảo” “khó tính”, nhưng dường như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thuyết phục được ngay cả những đại biểu Quốc hội “khó tính” nhất. Tinh thần và cách làm việc của ngành Giao thông vận tải, vì thế, cần được phổ biến hơn trong bộ máy công quyền.
>> Giải thích lý do VietJet hạ nhầm sân bay
Theo Kim Tuấn