Khó thu hồi 366 tỷ đồng thiệt hại vụ Dương Chí Dũng
Ngoài án tử hình, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc còn bị tuyên liên đới cùng các bị cáo bồi thường hơn 366 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án Vinalines.
- 17-12-2013Giây phút Dương Chí Dũng nghe tòa tuyên án tử
- 17-12-2013Con đường sa ngã của Dương Chí Dũng
- 16-12-2013Tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm
- 16-12-2013Dư luận sau phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm
- 16-12-2013Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc nhận án tử hình
Dư luận đặt vấn đề, nếu bản án trên có hiệu lực pháp luật, việc thi hành có khả thi?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói: “Hai bản án tử hình thể hiện thái độ nghiêm khắc của pháp luật đối với đại án tham nhũng Vinalines. Về câu chuyện bồi thường dân sự trong vụ án, 2 bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người cùng bị tuyên phải bồi thường 110 tỷ đồng. Với quan điểm cá nhân, tôi thấy đây là số tiền quá lớn, quá khó để được đảm bảo thi hành án”.
Luật sư có thể nói rõ hơn?
Thực tế vụ án cho thấy, 2 bị cáo trên đã bị kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, giá trị tài sản 3 căn nhà bị kê biên là rất nhỏ so với số tiền 220 tỷ đồng 2 bị cáo này phải thi hành. Hơn nữa, điều tôi băn khoăn chính là 2 bị cáo vừa bị tuyên án tử hình.
Đặt giả thuyết sau này, nếu bản án có hiệu lực pháp luật, tôi cho rằng quá khó để lấy được tiền của một người biết rõ là họ sẽ chết. Ở trường hợp này cũng vậy, bản án tử hình gần như đồng nghĩa với việc bị án sẽ không thi hành án về phần dân sự.
Nghĩa là việc yêu cầu các bị cáo bồi thường hàng trăm tỷ đồng có thể đi vào ngõ cụt?
Đúng vậy. Thường thì với các loại án kinh tế đơn thuần, khi áp dụng chế tài, các cơ quan chức năng sẽ chú ý đánh thật mạnh vào tài chính, về vấn đề bồi thường, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, không phải án kinh tế nào cũng vậy. Với những vụ “đại án” tham nhũng như vụ Dương Chí Dũng, mức độ gây thiệt hại quá lớn, quá nghiêm trọng, cá nhân tôi nhất trí với quan điểm về một bản án tử hình.
Quay lại chuyện thi hành án, theo luật sư, bị hại (nguyên đơn dân sự) trong vụ án phải làm gì để đòi lại quyền lợi, trong trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật?
Họ phải làm đúng theo quy trình luật định. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan, cá nhân bị thiệt hại phải có đơn yêu cầu thi hành án gửi đúng cơ quan có thẩm quyền. Trong vụ án Dương Chí Dũng, cơ quan thi hành án sẽ là Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Cảm ơn luật sư!
Theo Bắc Hà