MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không bội chi kinh phí nếu Việt Nam tổ chức Asiad !?

17-04-2014 - 08:48 AM | Xã hội

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định "không có bội chi" nếu tổ chức Asiad 18 với kinh phí 150 triệu USD.

Theo các thông tin từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, dự kiến trong tuần này, Bộ sẽ có cuộc họp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có liên quan khác, để bàn cụ thể hơn về kế hoạch chuẩn bị tổ chức Asiad 18 vào năm 2019 tại Việt Nam, trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trong phiên họp tổng kết hoạt động quý 1 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, người đứng đầu ngành Thể dục Thể thao (TDTT) cũng khẳng định sẽ tổ chức được sự kiện thể thao cấp châu lục với mức kinh phí 150 triệu USD. 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được tiếp tục phân tích sâu, kỹ hơn về con số kinh phí mà lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khăng khăng khẳng định, cũng như nỗi lo ngại của chuyên gia các ngành về việc tổ chức Asiad 18.

Khẳng định với giới truyền thông, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cam kết “các hạng mục cần chi chỉ nằm trong gói 150 triệu USD trình Chính phủ”.

“Asiad 18 sẽ được tổ chức một cách tiết kiệm. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các cơ sở vật chất sẵn có, đồng thời tận dụng các công trình nằm trong qui hoạch chung của thành phố” – ông Thắng nói.

Ông Vương Bích Thắng cũng khẳng định “không có bội chi” đối với kinh phí tổ chức Asiad 18: “Tổng kinh phí từ ngân sách là 150 triệu USD, được chi cho một số việc như sau. Thứ nhất, kinh phí được dùng để nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao sẵn có. Thứ hai, kinh phí dùng để mua sắm trang thiết bị. Thứ ba là để chi cho công tác tổ chức của Asiad 18. Trong số 150 triệu USD này, chúng ta sẽ không dùng để xây dựng công trình mới”.

Tuy nhiên, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, ông Nguyễn Hồng Minh lại cho rằng ngay cả chỉ dành riêng cho lĩnh vực thể thao thôi đã thấy đó là những việc không hợp lý. Theo kinh nghiệm và tính toán của ông thì con số đó không đảm bảo, mà phải lớn 2-3 lần như thế.

Ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “Việc tổ chức tốt thì mới đem lại hình ảnh tốt. Còn nếu tổ chức không tốt, luộm thuộm,…thì cái đó cũng không mang lại điều tốt đẹp như chúng ta mong muốn được”.

Còn nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu chỉ đơn giản đưa ra một hình ảnh: “Con số 150 triệu USD chỉ đủ để làm một cái lễ khai mạc hoành tráng như ông Trương Nghệ Mưu và Trần Vỹ Á làm tại Quảng Châu (Trung Quốc) thôi, thế thì lấy đâu ra tiền để làm những cái còn lại nữa”.

Có một thực tế, con số 150 triệu USD, tương đương với 3.195 tỷ đồng Việt Nam, thực tế không phải là con số khái toán ban đầu mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng như ngành TDTT, soạn thảo trong đề án ban đầu. Sự thật là, Bộ này đã đưa dự toán kinh phí tổ chức trong bản đề án thứ 1 là hơn 5 ngàn tỷ đồng (5.155 tỷ đồng), tương đương với 255 triệu USD, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm hơn 4.900 tỷ đồng, chiếm 96% kinh phí tổ chức và nguồn vốn huy động từ xã hội hóa chỉ chiếm 4%.

Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn hồi đáp về dự toán mà Bộ VHTT&DL đưa ra, khẳng định:“Khoản ngân sách 4.979 tỷ đồng là gánh nặng với nhà nước. Con số này chỉ là khái toán, thực tế sẽ cao hơn nhiều”. Công văn của Bộ Tài chính cũng đưa ra ý kiến:“Trong trường hợp chi phí tổ chức đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước thì đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế Việt Nam cho phép”.

Và 1 năm sau nữa, bản đề án tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam vào năm 2019 của Bộ VHTT&DL, đang được thảo luận trong những ngày qua, đã được điều chỉnh theo chiều hướng xoay 180 độ. Theo đó, con số 5.155 tỷ đồng được giảm xuống còn hơn 3.000 tỷ đồng (3.195 = 150 triệu USD); tỷ lệ vốn ngân sách từ 96% giảm còn 28%, trong khi nguồn vốn huy động xã hội hóa từ 4% “vụt bay” lên thành 72%.

Chưa hết, Bộ Tài chính vẫn có một công văn khác khẳng định rằng khoản vốn 72% xã hội hóa thiếu căn cứ và đề nghị Bộ VHTT&DL giải trình tiếp. Nhưng trong những lần giải trình trước một Ủy ban của Quốc hội, hay trả lời truyền thông trong nước, Bộ VHTT&DL chưa khi nào giải trình được cụ thể: cách thức, phương pháp và lộ trình huy động 72% vốn xã hội hóa, ngoại trừ số tiền ghi nhớ 500 triệu USD từ một đối tác Hàn Quốc với đề án xây cụm tổ hợp sân lòng chảo xe đạp. Mà dự án này cũng có nguy cơ trở thành “quy hoạch treo” vì vướng các quy định pháp luật hiện hành.

Cũng xin được nhắc lại là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh, khi trả lời báo chí đã khẳng định “không thể tổ chức Asiad với kinh phí 150 triệu USD”. Nhưng nghiêm trọng hơn không phải là số tiền đầu tư tổ chức Asiad 18 bằng bao nhiêu tiền ngân sách, bao nhiêu tiền huy động xã hội hóa, mà là nguy cơ lãng phí, thiếu hiệu quả.

Được khánh thành năm 2003 để phục vụ cho SEA Games 22, đến nay, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đang "gánh" nhiều dịch vụ ngoài thể thao... (Ảnh: Bảo Linh)

Câu chuyện rút hay không rút quyền đăng cai Asiad 18 đang nóng hổi tại Việt Nam. Nó chẳng liên quan gì tới tình hình khủng hoảng nợ công nóng bỏng tại Hy Lạp. Nhưng, nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy thấp thoáng hình bóng Việt Nam tương lai trong hình ảnh Hy Lạp hiện tại. 

10 năm sau Olympic Athens 2004, một phóng sự của truyền hình Hy Lạp cho thấy hình ảnh cỏ mọc um tùm trong nhà thi đấu bóng chuyền, một con ếch tung tăng trong bể bơi của làng Olympic, cầu thang rỉ sét tại khu liên hợp thể thao quốc gia… 

Đó là những gì còn lại, 10 năm kể từ ngày Hy Lạp tự hào mang Olympic hiện đại trở về quê hương. Sau khi đầu tư hàng chục triệu Euro để tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, người dân Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng, tâm trí đâu để chơi thể thao.

Còn ở Việt Nam, để cải tạo, nâng cấp và sửa chữa 80% công trình thể thao được thừa hưởng từ SEA Games 2003, sẽ cần ít nhất 1200 tỷ đồng đổ vào đó. Để rồi có thể là 10 năm sau, lại có một ai đó biện bạch về việc khoảng 30 đơn vị liên doanh, liên kết tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để làm kinh tế, gồm quán cà phê, cơ sở massage, khu ẩm thực phố cổ, rạp xiếc, bãi tập kết bình đựng nước uống và… trường học, như ông Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia hôm nay, rằng:“Tôi không muốn đôi co, thanh minh nhiều. 

Tôi chỉ lưu ý để mọi người biết rằng Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính. Khi là đơn vị tự chủ tài chính, chúng tôi phải tự kiếm tiền để duy tu, bảo dưỡng Khu liên hợp, đồng thời nuôi gần 200 con người đang làm việc ở đây”.

Cũng may, tiền thu được từ các hoạt động cho thuê địa điểm là để duy tu, bảo dưỡng, chứ không đến nỗi để "ếch lội trong bể bơi".

Vậy, những kinh nghiệm của nước ta và các nước trên thế giới sau khi đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế là như thế nào, chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết sau./.

Theo Thành Lương

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên