MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có chuyện “chạy chọt” chỉ số cải cách hành chính

08-09-2014 - 09:14 AM | Xã hội

“Không có chạy chọt, tiêu cực vì luôn có cơ chế bảo đảm cho việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khách quan” là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh sau lễ công bố kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2013 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua.

Sẽ điều chỉnh, bổ sung PAR INDEX


Theo đánh giá chung, chỉ số CCHC năm 2013 được điều chỉnh cao hơn kết quả năm 2012, có phải là do kết quả CCHC của các Bộ, ngành tốt hơn hay vì lý do nào, thưa Thứ trưởng?

- So với năm 2012, kết quả chỉ số CCHC năm 2013 của một số Bộ, ngành địa phương có sự thay đổi về thứ tự, trong đó có 7 Bộ và 30 địa phương xuống hạng, 9 Bộ và 30 địa phương tăng hạng và 3 Bộ và 3 địa phương giữ vững. Ở đây thể hiện là sau kết quả đánh giá chỉ số CCHC năm 2012, nhiều Bộ, địa phương đã căn cứ vào các chỉ tiêu, tiêu chí thành phần của các chỉ số CCHC để tập trung chỉ đạo thúc đẩy những chỗ còn hạn chế, yếu kém, đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác CCHC của Bộ, ngành, địa phương mình. Bên cạnh đó, cũng có Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác CCHC nên năm 2013 có kết quả như đã công bố.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, PAR INDEX năm 2013 của các Bộ đã có điều chỉnh tăng lên so với năm 2012 có đồng nghĩa với việc công tác CCHC có cải thiện?

- Năm nào đánh giá cũng trong thang số 100 điểm nên chắc chắn luôn có sự dao động về điểm, nhưng mục tiêu CCHC không thể đạt tuyệt đối nên sự dao động về điểm chỉ thể hiện sự tăng, giảm của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác CCHC chứ cũng không có nhiều ý nghĩa lắm.

Bộ Nội vụ có thể sớm điều chỉnh cơ cấu điểm trong việc đánh giá PAR INDEX hay không vì một số ý kiến còn băn khoăn về tính khách quan và chính xác của PAR INDEX khi có đến 62% kết quả là do các Bộ, ngành, địa phương tự đánh giá và 38% kết quả là điều tra xã hội học?

- Trong quá trình xây dựng chỉ số CCHC, chúng tôi đã lấy ý kiến của các chuyên gia, Bộ, ngành, địa phương để hình thành được các chỉ số CCHC trên thang điểm 100. Trong đó, ở cấp Bộ, 60 điểm là do Bộ, ngành tự đánh giá và 40 điểm là từ điều tra xã hội học; ở cấp tỉnh, 62 điểm là do cơ quan hành chính cấp tỉnh tự đánh giá và 38 điểm là từ điều tra xã hội học.

Tuy cơ cấu này cơ bản thấy hợp lý nhưng qua 2 năm triển khai đánh giá chỉ số CCHC thì vẫn có một số bất cập, tồn tại, hạn chế hoặc một số vấn đề chưa lượng hóa được.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đã có dự định sau hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2013 này sẽ tổ chức một hội nghị rút kinh nghiệm, lấy ý kiến chi tiết của các Bộ, ngành, địa phương cùng những kinh nghiệm có được trong 2 năm để có thể có những bổ sung, chỉnh sửa phù hợp cho việc đánh giá chỉ số CCHC triển khai ngay trong năm 2015 này.

Thưa Thứ trưởng, sao lại chọn cơ cấu điểm đánh giá 60/40 mà không để bên ngoài đánh giá hoàn toàn kết quả CCHC của Bộ, ngành, địa phương cho khách quan?

- Trong việc đánh giá này, có 2 vấn đề. Một là, việc lấy ý kiến tự đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương cũng rất quan trọng vì họ trực tiếp triển khai các hoạt động thì họ phải được tự đánh giá. Hai là, nếu là chỉ đánh giá CCHC trên một lĩnh vực thì có thể bên ngoài đánh giá, nhưng ở đây có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của Bộ, ngành, địa phương nên người ngoài không thể đánh giá được.

Vấn đề quan trọng là tự đánh giá phải có tài liệu kiểm chứng, được Bộ Nội vụ và Hội đồng tư vấn thẩm định (gồm 6 Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến Chương trình 30C của Chính phủ như Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… theo dõi chung của cả nước) xác định, chứ không phải thừa nhận ngay kết quả tự đánh giá của Bộ, ngành, địa phương. Vậy kết quả đánh giá cũng đảm bảo hết sức khách quan.

Không có tiêu cực, chạy chọt

Thưa ông, ông trả lời như thế nào đối với câu hỏi của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc liệu có chạy chọt, tiêu cực trong việc đánh giá PAR INDEX không?

- Chúng tôi khẳng định, đối với Bộ Nội vụ là không có chuyện đó. Vì như tôi vừa nói, cơ chế giám sát, bảo đảm điều đó chính là cơ chế tự đánh giá. Còn điều tra xã hội học thì hoàn toàn khách quan rồi.

Qua các năm đánh giá, kết quả điều tra xã hội học có vênh nhiều với kết quả tự chấm điểm không, thưa ông? Và Bộ Nội vụ có phải điều chỉnh nhiều không và khi điều chỉnh mà tụt hạng thì có ý kiến gì không?

- Không có chuyện vênh vì điểm tự đánh giá và điểm điều tra xã hội học được cộng vào để tính điểm tổng trên thang số 100 điểm.

Bộ Nội vụ có nhận được phản ứng tiêu cực của các Bộ, ngành, địa phương bị đánh giá thấp trong PAR INDEX năm 2013 không?

- Không có những phản ứng như vậy vì trong quá trình đánh giá kết quả đã có sự trao đổi. Bộ Nội vụ và Hội đồng thẩm định có thể tăng, giảm điểm ở các chỉ số của từng Bộ, ngành, địa phương dựa trên tài liệu kiểm chứng, trao đi đổi lại nên các Bộ, ngành, địa phương đều đã thống nhất với kết quả đánh giá chỉ số CCHC được công bố. Và nếu có thì cũng chỉ điều chỉnh trên dưới 10 điểm so với điểm các Bộ, ngành, địa phương tự đánh giá.

Đối với kết quả 80% người dân ở 3 tỉnh thí điểm hài lòng với dịch vụ công vừa được công bố mới đây, ông đánh giá như thế nào?

- Hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng và phê duyệt đề án xác định các chỉ số xác định sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước chứ chưa có công bố chính thức về chỉ số này.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong mục tiêu của chương trình CCHC đã nói rõ đến năm 2015 phấn đấu đạt 60% sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và đến năm 2020 phấn đấu đạt 80% sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ Nội vụ căn cứ vào đề án đó để xác định chỉ số và sẽ triển khai sắp tới. Số liệu vừa rồi là kết quả thí điểm tại 3 tỉnh Phú Thọ, Bình Định, Thanh Hóa nên còn cần tiếp tục điều chỉnh các chỉ tiêu về thông số cho phù hợp, đảm bảo khách quan.

Ông mong chờ gì sau hội nghị này?

- Thông qua công bố chỉ số CCHC này, một mặt là đưa ra những thứ hạng của các Bộ, ngành, địa phương về kết quả CCHC, nhưng quan trọng hơn là xác định điểm mạnh, yếu của các Bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực CCHC, thông qua đó xác định quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu.

Vì vậy, cũng như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đề cập, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước phải có cái nhìn nghiêm túc về chỉ số CCHC để phát huy điểm mạnh và tập trung khắc phục điểm hạn chế trong công tác CCHC để đạt mục tiêu CCHC đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

cucpth

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên