'Không hạn chế ô tô, lấy đâu đường đi!'
Trò chuyện với chúng tôi trước thềm năm mới 2016, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) phân tích lại nhiều nguyên nhân cũ gây ùn tắc ở Hà Nội - TP.HCM và đánh giá 2016, 2 TP này sẽ tiếp tục ùn tắc.
- 15-01-2015Hạn chế ôtô, xe máy: Biết bất khả nhưng vẫn đề xuất
- 25-12-2012Bỏ phí hạn chế phương tiện, giảm trước bạ với ô tô
- 31-08-2012Đề xuất bỏ hạn chế nhập khẩu ôtô, điện thoại
- 11-07-2012'Hạn chế ôtô vào nội đô có thể gây khó cơ quan trung ương'
Những giải pháp mà vị Vụ trưởng đưa ra chưa có đột phá song ông kiến nghị cần hạn chế ô tô cá nhân trước vì 'không hạn chế thì không có đường mà đi".
2016: Tắc vẫn hoàn tắc
- Năm 2015, ùn tắc tại Hà Nội và TP.HCM gia tăng đến mức báo động. Các chuyên gia cho rằng bất cập trong quy hoạch đô thị là nguyên nhân chính khiến 2 đô thị lớn nhất nước ngày càng ùn tắc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là bất cập trong quy hoạch đô thị đang tạo áp lực lên giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Theo quy hoạch 2 TP này phải giảm mật độ dân cư trong đô thị bằng việc di dời bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, công sở... ra ngoại thành. Tuy nhiên, kế hoạch di trường ĐH, CĐ ra khỏi trung tâm nội thành của Hà Nội và TP.HCM 10 năm nay cơ bản chưa làm được.
Phương tiện cá nhân đang tăng nhanh tại 2 TP lớn nhất nước Hà Nội và TP.HCM (Ảnh minh họa: Nguyễn Trí).
Trong khi đó, tại Hà Nội một số nhà máy, xí nghiệp khi được di dời ra ngoại thành quỹ đất lại được sử dụng xây trung tâm thương mại, nhà cao tầng. Việc này đang tạo thêm áp lực cho giao thông đô thị.
Điển hình như nhà máy cơ khí ở khu vực Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội), Nhà máy Dệt ở Minh Khai (Hoàng Mai, Hà Nội) khi di dời đi lại được thay thế bằng khu đô thị với những toà nhà “cao chọc trời” có mật độ dân cư sinh sống dày đặc. Thực trạng này khiến nút giao thông Ngã tư Sở ùn tắc trầm trọng giờ cao điểm.
- Hạ tầng bất cập, phương tiện cá nhân đang tiếp tục tăng nhanh, ông đánh giá như thế nào về bức tranh giao thông đô thị Hà Nội và TP.HCM trong năm 2016?
Tôi cho rằng từ 2016-2017 ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM sẽ còn gia tăng.
Đánh giá này dựa trên cơ sở phương tiện vận chuyển công cộng khối lượng lớn tàu điện ngầm, đường sắt trên cao tại 2 đô thị này chưa hoàn thành, trong khi dân số và phương tiện đang tăng nhanh.
Thực tế đối với TP chỉ 1 triệu dân đã phải có tàu điện ngầm, trong khi Hà Nội 7 triệu dân, TP.HCM 10 triệu nhưng đến nay chúng ta chưa có tuyến đường sắt đô thị nào đi vào hoạt động. Vì vậy áp lực giao thông đi lại tại 2 TP này sẽ ngày càng lớn.
Thêm vào đó ở nước ta phương tiện cá nhân đang tăng rất nhanh, số liệu thống kê tháng 11/ 2015 cho thấy cả nước có 46,5 triệu phương tiện, trong đó xe máy có 43,9 triệu, ô tô 2,6 triệu, lượng phương tiện lại tập trung chủ yếu tại 2 TP lớn Hà Nội và TP.HCM.
Như vậy, so với 2005 lượng phương tiện đã tăng 2,7 lần, bình quân mỗi năm tăng 10% phương tiện, trong khi hạ tầng giao thông lại tăng không đáng kể nên ùn tắc gia tăng là điều khó tránh khỏi.
Không hạn chế ô tô, không có đường mà đi
- Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng phương án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc. Vậy theo ông trong điều kiện hiện nay Hà Nội và TP.HCM có nên thực hiện phương án này? Và nếu hạn chế nên hạn chế ô tô hay xe máy?
Tôi cho rằng hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM dứt khoát phải làm, nếu không làm thì không có đường mà đi. Với mật độ phương tiện cá nhân cũng như mật độ dân số cơ học tăng nhanh như hiện nay Hà Nội và TP.HCM không thể đợi đến năm 2030 khi hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện rồi mới làm.
Nhiều khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp đang được di dời ra ngoại thành, nhưng thay vào đó lại là những tòa nhà chung cư dày đặc người ở - (Ảnh: Đình Vũ)
Tuy nhiên, trong điều kiện quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay chỉ 8-10% nên hạn chế phương tiện chiếm nhiều diện tích là ô tô trước. Xe máy phải đợi tới khi các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm đi vào hoạt động tại các trục chính mới có thể thực hiện được.
Việc hạn chế ô tô có thể quy định trong giờ cao điểm tại các tuyến hay ùn tắc như đường vành đai 1, vành đai 2 Hà Nội... Tắc chỗ nào tập trung chỗ đó và phải có nghiên cứu cụ thể kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông.
- Theo ông những giải pháp chống ùn tắc của Hà Nội trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả?
Trong điều kiện áp lực giao thông lớn như hiện nay thì vận tải công cộng bằng xe buýt vẫn đóng vai trò quan trọng. Hà Nội đã tiến hành giảm tần suất hoạt động xe buýt giờ cao điểm, huy động lực lượng CSGT, TTGT, cơ động tổ chức phân làn giờ cao điểm giảm ùn tắc... Những giải pháp này theo tôi tại thời điểm này là cần thiết, tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế.
Về lâu dài phải quản lý thực hiện quy hoạch đô thị thật nghiêm túc, tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung phá vỡ quy hoạch. Việc di dời bệnh viện, trường học, khu công nghiệp... ra ngoại thành cần phải được giám sát chặt, tránh tình trạng di dời đi lại nhượng đất để xây dựng nhà cao tầng, trung tâm thương mại.