Không khống chế chi tiếp thị, quảng cáo
Chính phủ bỏ khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới… và được Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đồng tình.
Hôm qua (3/11), Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội về những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế.
Theo đó, Chính phủ thống nhất bỏ quy định khống chế khoản chi (15%) quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quy định này được Ủy ban Tài chính-Ngân sách đồng tình và cho rằng phù hợp với ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận dự án Luật này tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng trước.
Ngoài quy định trên, Nhà nước sẽ hiện thực hoá việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách điều chỉnh nhiều chính sách thuế bằng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế.Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ cho biết, dự án sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế thống nhất áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20%) đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn kể từ năm 2015 và bổ sung thêm lĩnh vực “lâm nghiệp, thuỷ sản”. Còn từ ngày 1/1/2016, thu nhập của doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất 17%.
Đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nộp thuế suất 10% thu nhập từ việc thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Dự luật cũng quy định một phương pháp tính ngay trong luật: Đối với chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng; đối với chuyển nhượng chứng khoán áp dụng mức 0,1% trên giá bán từng lần chuyển nhượng.
Chính phủ bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế-xã hội. Về việc bãi bỏ thuế môn bài, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội khi thông qua Luật phí, lệ phí.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.
Doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách; đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; doanh nghiệp phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Thẩm tra các đề xuất trên của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết đa số các thành viên của Ủy ban đồng tình với cách sửa đổi, bổ sung của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban này cho biết, có ý kiến không đồng tình ở quy định bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng. Theo đó, đề xuất của Chính phủ mới chỉ tập trung vào thu hút các dự án có số vốn đầu tư lớn nhưng không rõ về tiêu chí công nghệ. Ngoài ra thời gian ưu đãi 30 năm là quá dài, lấy dự án điển hình để xây dựng chính sách chung là chưa phù hợp.
Đối với quy định “xoá tiền phạt chậm nộp thuế”, một số ý kiến trong Ủy ban này cho rằng chỉ xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp Doanh nghiệp nợ thuế do ngân sách Nhà nước nợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước thời điểm 01/7/2013 là quá rộng. Do đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008.
Do đây là các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp nên dự án Luật này sẽ được thông qua ngay tại Kỳ họp này, sau khi được các đại biểu thảo luận tại tổ vào sáng nay (4/11) và tại hội trường vào ngày 15/11 tới.
>>>Có nên bỏ "áp trần" chi phí quảng cáo?