MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không tăng lương tối thiểu hợp lý: Đừng mong người lao động gắn bó

26-10-2015 - 07:28 AM | Xã hội

Tăng lương, trong đó có lương tối thiểu vùng được coi là một vấn đề “nóng” của người lao động, thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong kỳ họp này, bởi liên quan đến việc cân đối ngân sách để tăng lương năm 2016. Theo nhiều ĐBQH, việc tăng lương cho người lao động phải gắn với một lộ trình chặt chẽ với nhiều vấn đề liên quan.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - để hiểu rõ hơn câu chuyện về tăng lương cho người lao động.

Thưa ông, vừa qua có ý kiến cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4% vô hình trung làm tiền lương của NLĐ giảm suất do phải “gánh” thêm việc tăng tỉ lệ nộp các khoản phí. Ông đánh giá gì về lập luận này?

- Điều này hoàn toàn không đúng! Vì tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất mà chủ sở hữu trả cho NLĐ trong điều kiện LĐ bình thường. Tiền lương tăng lên là do năng suất LĐ tăng lên, còn lương tối thiểu là mức thấp nhất để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ. Bởi vậy, lý giải theo kiểu tăng lương tối thiểu thì tăng các khoản BHXH, BHYT… do trừ trực tiếp vào khoản tăng lương tối thiểu này là hoàn toàn sai bản chất.

Tiền lương phải đảm bảo nhu cầu sống thì công nhân may mới gắn bó với doanh nghiệp. 

Tôi biết hiện một số ngành như dệt may, da giày “kêu” về việc tăng lương, là bởi ngành này có đến 80-90% là LĐ phổ thông, năng suất LĐ rất thấp. Thế nhưng, năng suất LĐ đã thấp mà không tích cực tăng lương tối thiểu để cải thiện đời sống thì làm sao NLĐ gắn bó với doanh nghiệp (DN)? Nếu họ càng “kêu” thì hậu quả càng lớn, trong đó có nguy cơ “nhảy” việc của NLĐ. NLĐ có thể đi tìm công việc khác nhưng chủ sở hữu sẽ mất nguồn LĐ sau một quá trình đào tạo, nâng cao tay nghề, gây lãng phí nguồn nhân lực. Nói như lập luận trên vì thế là chưa đúng, và tôi nghĩ phải làm sao xử lý mối quan hệ này thật hài hòa. Mức tăng 12,4% là mức thể hiện được tiếng nói chung giữa hai bên.

 Vậy trong điều kiện hiện tại, việc tăng lương tối thiểu lên mức 12,4% có ý nghĩa như thế nào với NLĐ, theo ông?

- Nếu có ai đó nói rằng nâng hay giảm tiền lương tối thiểu để nâng hay giảm năng suất LĐ, điều này hoàn toàn không đúng! Bởi bản chất của tăng lương tối thiểu là nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Việc tăng lương tối thiểu hằng năm là theo quy định pháp luật, Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia bao gồm Bộ LĐTBXH, VCCI và Tổng LĐLĐVN. Vấn đề là phải tìm được tiếng nói chung của 3 “nhà”, bởi “nhà” nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bài toán ở đây là phải chọn đúng lộ trình. Nâng lương tối thiểu để đẩy nhanh tốc độ nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ, nhưng quan trọng là đảm bảo cho NLĐ tồn tại để sản xuất kinh doanh, trong khi chủ sử dụng LĐ cũng có “cơ” để phát triển sản xuất, chăm lo việc làm cho NLĐ. Tôi cho rằng mức 12,4% là có sự chia sẻ cả hai bên. Chính việc cải thiện đời sống NLĐ cũng góp phần cho DN ổn định sản xuất, tăng năng suất LĐ. Vì có ổn định thì NLĐ mới chăm lo công việc, năng suất tăng hơn, góp phần tồn tại, ổn định phát triển DN.

 Ở một góc độ khác, năm 2016 được dự báo nhiều khó khăn về cân đối ngân sách, gây áp lực không nhỏ với lộ trình tăng lương cho cán bộ công chức. Ông nhận định gì về điều này?

- Có một thực tế là hiện mức lương cơ sở của công chức vẫn chưa được cải thiện, nhu cầu tăng lương cao. Tinh thần chung của cải cách tiền lương nhà nước có đặt ra vấn đề tăng lương cho cán bộ công chức trong năm tới. Thế nhưng, thực tế là ngân sách không có để thực hiện. Chúng ta không thể vay nợ để trả lương, chẳng ai đi vay để ăn cả! Với khó khăn về ngân sách, nhiều ĐB mong muốn cắt giảm chi phí công trình không quan trọng, có hiệu quả thấp, chi phí lạm chi hành chính, chi phí thường xuyên… Muốn có cơ sở để tăng lương, ta phải cân đối nhiều mặt. Đây là cuộc chia sẻ giữa Nhà nước và công chức, nhưng bước đi nhất định phải nghiên cứu tổng thể chính sách tiền lương...

- Xin cảm ơn ông!

ĐB Phạm Huy Hùng (TP.Hà Nội): Sớm tách bạch lương DN và lương hành chính. Chính phủ cần cấp thiết phải cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tách bạch lương DN và lương hành chính. Hiện ta vẫn đang thiên về bảo vệ DN hơn là bảo vệ NLĐ, hệ quả là lương NLĐ vẫn rất thấp. NLĐ làm việc với mức lương quá thấp gây hệ lụy với nhiều vấn đề về năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế phải sử dụng nhiều người nhưng kết quả lao động vẫn không tốt. Vì thế theo tôi, việc tách bạch lương là cần thay đổi để trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ chạy nhanh hơn, hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng như hiện nay.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM): Cần phải tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình. Lộ trình tăng lương đặt ra ở nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng chưa được thực thi. Lộ trình năm 2013 không tăng để 2014 vì khó khăn, giờ 2014 cũng không tăng để tiếp tục đến 2016. Vậy ai dám khẳng định năm 2016 sẽ tăng lương? Vấn đề lặp lại nhiều lần nên theo tôi, cần xem xét lại. Ít nhất cần phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống tối thiểu cho công chức vốn dĩ đã chịu mức lương quá thấp. Muốn vậy, cần phải tiết kiệm chi tiêu. Nhiều công trình mất hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng, hoặc công trình không cần thiết nhưng chúng ta vẫn xây, rất lãng phí. Vì thế, không nên lấy lý do không đủ nguồn lực tài chính nên không nâng lương cơ bản theo lộ trình. D.H (ghi)

 

Theo DƯƠNG HÀ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên