Không thất thoát, tham nhũng tiền giảm nghèo
Bộ trưởng Giàng Seo Phử dứt khoát khẳng định không có tham nhũng, thất thoát tiền tỉ đô la trong dự án điện mặt trời cho 70 xã đặc biệt khó khăn.
Dự án điện mặt trời sử dụng vốn ODA của Phần Lan một lần nữa được ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB dân tộc Giàng Seo Phử tại phiên giải trình về thực hiện chính sách giảm nghèo với đồng bào dân tộc thiểu số của UB Các vấn đề xã hội sáng 25/4. "Nguồn cơn" khiến ĐB tái chất vấn, đó là sự không khớp giữa trả lời văn bản của Bộ trưởng và thực tế báo chí phát hiện.
Thời điểm trả lời văn bản, báo cáo trả lời chất vấn của ĐB Sỹ Cương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết “đến tháng 3/2013, tại tỉnh Sơn La còn hai xã Chiềng Nơi và Háng Đồng đang tiếp tục được thi công; chỉ còn 2 trạm truyền hình chưa được lắp đặt vì chờ xã bàn giao mặt bằng”.
Tuy nhiên, theo phát hiện của báo chí thời điểm 11/2013, tại xã Chiềng Nơi, thiết bị của dự án điện mặt trời còn nằm nguyên trong kho của UBND xã. Bí thư Đảng ủy xã xác nhận với báo chí thiết bị được đưa lên nhưng không thấy ai quay lại lắp đặt.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương |
Chỉ ra "việc không đúng sự thực" của văn bản trả lời, ĐB Cương cũng chất vấn kết quả thanh tra dự án đặc biệt quan trọng với 70 xã đặc biệt khó khăn này đã gần 1 năm nhưng "không ai biết", dự án dở dang mà đã được bàn giao.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử thừa nhận "có sơ suất trong chỉ đạo" nhưng sau khi có ý kiến yêu cầu làm rõ của Thủ tướng, UB Dân tộc đã lập đoàn thanh tra toàn diện dự án. Việc thanh tra đã kết thúc và đang chờ Hội đồng kỷ luật xem xét kết luận xử lý rõ ràng.Bộ trưởng nhắc nguồn vốn ODA của Phần Lan tài trợ nhưng hoàn toàn dưới dạng vật tư, không có tiền mặt, trong quá trình triển khai có lắp đặt sai nên để sai sót. Ông dứt khoát khẳng định không có chuyện thất thoát lãng phí tiền tỉ đôla vì tổng dự án (cả vốn đối ứng) chưa đến 1 tỉ USD.
"Tham ô, tham nhũng không có. Chúng tôi làm rất nghiêm túc không bao che gì hết trong dự án này" - Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2013, Bộ tiến hành 38 cuộc thanh tra về giảm nghèo, đã xử lý giảm chi 1.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, chưa tổng hợp, tách riêng phần thanh tra về giảm nghèo với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử tại phiên giải trình. Ảnh: XL |
Không ít ĐBQH nêu hạn chế lớn về nguồn lực tài chính phân bổ cho các chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. ĐB Danh Út chỉ ra có những khu vực năm 2013 không được bố trí giải ngân một đồng nào như vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc thừa nhận một thực tế đáng buồn: chưa một chính sách về dân tộc nào được bố trí đầy đủ nguồn lực 100%. Chính sách được bố trí nguồn lực thực hiện cao nhất chỉ đạt 55%.
Thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộcĐB Nguyễn Thị Khá cho hay giám sát ở Tây Nguyên không khó tìm thấy các cánh đồng bạt ngàn xanh mướt ngô khoai sắn nhưng lại của người Kinh, đồng bào dân tộc là người đi làm thuê.
"Cánh đồng được người Kinh thu mua gom hết rồi, có hộ nói đất được cấp nhưng không được giao, hoặc được giao thì cách xa nhà quá, hoặc đất bị trồng lấn nông lâm trường không vào làm được. Có giải pháp gì? Trách nhiệm thuộc ai?" - bà Khá hỏi.
Thừa nhận thực trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số là một vấn đề nóng bỏng, Bộ trưởng Seo Phử cho hay có nhiều nguyên nhân, từ sức ép về dân số, di cư tự do, đời sống người dân quá khó khăn, công tác điều chỉnh bố trí lại đất đai cho sản xuất làm chưa tốt, thu hồi đất triển khai theo dự án không khả thi, tái định cư chưa ổn, quỹ dự trữ đất trên cả nước không có...
Bộ trưởng Cao Đức Phát (phải): Nhiều nơi không còn đất nông nghiệp giao cho đồng bào |
Ông cũng báo cáo khu vực Tây Nguyên đất đai bố trí cho đồng bào dân tộc chưa hợp lý. Trong khi đó, các tỉnh Tây Bắc hết đất. "Đây là vấn đề lớn, kéo dài nữa tiếp tục phức tạp" - ông nói
Bộ trưởng thúc giục việc sắp xếp, bố trí lại đất đai trên toàn quốc để đồng bào không bị bỏ giữa những khó khăn.
Giải trình bổ sung, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho hay, vừa qua, các địa phương đã thu hồi 890 nghìn ha đất của nông lâm trường, lâm trường giao 641 nghìn ha, bản quản lý rừng phòng hộ giao 211 ha...
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại mới chỉ trên chủ yếu đất lâm nghiệp. Nhiều nơi không còn đất để giải quyết cho đồng bào nhưng quỹ đất lâm nghiệp còn nhiều hơn, nên Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh giao đất giao rừng, khoán rừng cho đồng bào. Thủ tướng cũng có quyết định thí điểm giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã thực hiện 180 nghìn ha cho 5.427 hộ.
Theo Linh Thư