MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể đẩy trách nhiệm “thông thái” cho người tiêu dùng

27-12-2015 - 20:52 PM | Xã hội

Thời gian này, các cơ quan chức năng lại tiếp tục thu giữ, phát hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm bị làm giả, thực phẩm bẩn…

Có lẽ dư luận vẫn còn nhớ, vào giáp Tết năm ngoái 6.000 công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương phải trả lại quà Tết vì phát hiện hàng giả trong túi quà. Hay như ở Khu công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương, 8.000 công nhân đòi trả lại quà Tết vì nghi quà tặng có hàng giả. Gian nan như... chống hàng giả/ Triệt phá nhiều "tổng hành dinh" hàng giả/ Hội thảo tìm giải pháp chống hàng giả.

Vậy người tiêu dùng đã được bảo vệ như thế nào trước “mê hồn trận” hàng giả, hàng nhái, hàng lậu? Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Ngày 24-12, Công an Hà Nội đã phát hiện một cơ sở sản xuất nước đóng bình giả Lavie. Trước đó, Công an các địa phương cũng liên tiếp phát hiện, tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm đang phân hủy được đưa đi tiêu thụ. Chưa bao giờ sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa nghiêm trọng như thế, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Quy luật tiêu dùng tăng lên vào giáp Tết. Đây là thời cơ cho người làm ăn gian lận tung vào thị trường hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại. Gian lận thương mại thể hiện rõ nhất là hiện tượng kéo dài hạn sử dụng (date). Đặc biệt, những túi quà Tết rất dễ bị tống hàng cận date, hàng giả.

Lượng hàng giả có nhiều. Đối tượng làm giả, làm nhái không từ một mặt hàng nào, từ quần áo, đồ chơi, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến thực phẩm như mì chính, bột nêm, nước uống… Nguyên phụ liệu của các mặt hàng này được nhập từ nước ngoài về hoặc hàng lậu tuồn vào, được tập kết từ trước Tết nhiều tháng. Không loại trừ khả năng giờ có những kho hàng lậu đã tập kết chờ thời gian tung ra thị trường.

Phóng viên: Thưa ông, thị trường thật giả lẫn lộn như vậy thì người tiêu dùng có thông thái đến mấy cũng khó thoát khỏi trở thành nạn nhân?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng vậy. Có cơ quan chức năng vẫn đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng bằng một câu truyền thống: “Hãy là người tiêu dùng thông thái”. Nhưng theo tôi, bắt người tiêu dùng trở thành nhà thông thái là đẩy trách nhiệm về người tiêu dùng. Như vậy thì khó quá.

Tôi ví dụ, một hộp sữa có nhiều thành phần dinh dưỡng, một nhà bác học được coi là thông thái thì bằng mắt thường cũng không phân biệt được thành phần dinh dưỡng thực so với nhãn mác, chất lượng thế nào mà phải là máy móc. Cơ quan chức năng có một bộ máy được trả lương để làm các công việc giám sát chất lượng, an toàn, chống hàng giả, hàng nhái thì anh phải làm việc đó. Tất nhiên, người tiêu dùng cũng phải chọn lựa, nhưng tôi nghĩ rằng chỉ nên khuyên người tiêu dùng thận trọng khi mua hàng.

Phóng viên: Qua theo dõi thị trường, ông thấy hàng giả, hàng nhái có biến đổi gì so với trước không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thị hiếu người tiêu dùng thay đổi thì hàng giả, hàng nhái cũng thay đổi theo. Trước đây người Việt sính hàng ngoại nên nhiều sản phẩm trong nước bị gắn mác hàng ngoại để lừa người tiêu dùng. Thế nhưng hiện nay, nhiều sản phẩm nước ngoài, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc lại bị biến thành hàng Việt Nam để đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Khoai tây Trung Quốc được “phù phép” thành khoai Đà Lạt, nho Trung Quốc biến thành nho Ninh Thuận, hạt dẻ Trung Quốc “nhập vai” hạt dẻ Trùng Khánh… Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều chất phụ gia, hóa chất, chất kích thích nảy mầm, tăng trọng… ngoài danh mục được phép sử dụng không kiểm soát được.

Phóng viên: Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng trên?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Phải ghi nhận nỗ lực của Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả) đã phát hiện nhiều vụ việc lớn như: Đầu năm phát hiện 10 tấn thực phẩm chức năng giả, giữa năm tiếp tục phát hiện 20 tấn thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc...

Gần đây ở các tỉnh, thành cũng thu giữ, xử lý nhiều vụ việc lớn liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại. Để mang lại hiệu quả, theo tôi các cơ quan cần tiếp tục tăng cường kiểm tra bên ngoài và chống tham nhũng bên trong. Bởi tham nhũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có chống mà buôn lậu vẫn còn. Bên cạnh đó, cách xử lý cũng là một câu chuyện, khi anh phát hiện ra những sản phẩm độc hại cho sức khỏe thì phải thu hồi, tịch thu, tiêu hủy…

Đối với thực phẩm thì chúng ta đã làm thế, nhưng còn nhiều sản phẩm tiêu dùng khác như đồ chơi trẻ em... Khi phát hiện đồ chơi có độc thì phải thu hồi toàn bộ, cấm lưu thông chứ không phải cứ để tồn tại như hiện nay vì không phải người tiêu dùng nào cũng biết sự độc hại của nó.

Phóng viên: Với vai trò là một tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã làm gì để góp phần lành mạnh thị trường hiện nay không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong năm, Hội đã xử lý nhiều vụ việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, có cả việc lấy lại hình ảnh của Việt Nam trong mắt người nước ngoài. Đó là trường hợp giải quyết khiếu nại của Đại sứ quán Kazakhstan, thậm chí họ đã gửi đơn ra tòa án. Hội đã giải quyết thành công, vừa bảo vệ được quyền lợi cho khách hàng lại vừa giữ được hình ảnh Việt Nam đối với cơ quan ngoại giao nước ngoài. Sau đó họ ra tòa rút đơn kiện.

Cách đây không lâu, tôi làm việc với đoàn cán bộ thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, thay mặt Hội tôi đã phản ánh việc hàng giả, kém chất lượng nguồn gốc Trung Quốc qua đường buôn lậu vào Việt Nam liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng. Qua đoàn, Hội đã kiến nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc có biện pháp ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng sang Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng đã ghi nhận, khẳng định đã và sẽ làm nghiêm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phóng viên: Người tiêu dùng phải ứng xử như thế nào trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Người tiêu dùng phải chủ động nắm bắt thông tin. Khi mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì phản ánh với các cơ quan chức năng để họ phát hiện xử lý như: Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ Khoa học công nghệ, Công an, các Sở Nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y… và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi quyền lợi bị xâm hại thì căn cứ vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo Việt Hà

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên