MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Không ưu ái cán bộ cấp cao khi xử lý tai nạn giao thông”

05-03-2016 - 10:08 AM | Xã hội

Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an khi nói về việc “CSGT được phép cho cán bộ cấp cao đi nhanh nếu xe chở họ gây Tai nạn giao thông” đang gây tranh luận.

Ngày 4-3, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an , trao đổi với chúng tôi về dự thảo thông tư về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của CSGT vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến.

Không phải cán bộ nào cũng là cấp cao

Trong Dự thảo thông tư, Điều 22 có quy định riêng về xử lý TNGT liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công an thiếu công bằng khi “đặc cách” cho các cán bộ này, ông đánh giá như thế nào?

- Thiếu tướng Trần Thế Quân: Về nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tôi khẳng định Bộ Công an không hề có sự ưu ái nào khi đưa ra quy định riêng về xử lý TNGT liên quan đến cán bộ cấp cao.

Sở dĩ có quy định trên là bởi tính đến yếu tố công vụ. Những cán bộ cấp cao thường có trách nhiệm công vụ rất cao, tính chất cấp bách rất nặng nề. CSGT phải tạo điều kiện để các cán bộ này thực thi công vụ, không thể yêu cầu các đồng chí ở lại cho tới khi giải quyết xong được.

Những trường hợp này khá ít nhưng đòi hỏi CSGT phải xử lý làm sao để vừa thu thập đủ tài liệu liên quan đến vụ tai nạn, tránh bỏ lọt dấu vết mà vẫn đảm bảo việc hoàn thành công vụ của cán bộ đó.

Ông có thể giải thích rõ cán bộ cấp cao ở đây là những cán bộ nào?

- Dự thảo thông tư chỉ mang tính chất quy trình xử lý chứ không quy định về nội dung, tức là khi có TNGT liên quan tới cán bộ cấp cao, CSGT phải thực hiện theo quy định của thông tư. Bản thân thông tư không có quyền quy định ai là cán bộ cấp cao, ai không phải. Nội dung này đã được quy định ở các văn bản khác, ví dụ Luật Cảnh vệ sẽ quy định ai là đối tượng được bảo vệ và đó chính là những cán bộ cấp cao. Điều này cũng đòi hỏi CSGT phải được tập huấn các quy định pháp luật về cán bộ cấp cao.

Cán bộ cấp cao ở đây phải hiểu là lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Có thể ví dụ một số trường hợp như đại biểu Quốc hội, các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh… Hiện một số ngành đã quy định ai là cán bộ cấp cao nhưng một số ngành chưa có. Do đó cần phải thống nhất những ai thuộc diện này chứ không thể ai cũng là cán bộ cấp cao được.

Như ông nói, nhiều ngành chưa có quy định cụ thể ai là cán bộ cấp cao, vậy liệu có xảy ra tình trạng tự nhận là cán bộ cấp cao một cách tràn lan?

- Rất khó có tình trạng này. Bởi đối với những ngành đã có danh mục xác định ai là cán bộ cấp cao thì CSGT chỉ cần theo đó mà thực hiện; còn những ngành chưa có thì thường áp dụng với người đầu ngành và sẽ bổ sung danh mục sau.

Trong thời gian tới, các ngành sẽ phải hoàn thiện danh mục các cán bộ cấp cao để hướng dẫn cho CSGT thực hiện.

Gây hậu quả nghiêm trọng vẫn bị xử lý

Việc ưu tiên này chỉ áp dụng khi cán bộ đó đang thực thi công vụ, hay chỉ cần là cán bộ cấp cao là sẽ được ưu tiên? Làm thế nào để CSGT có thể xác định cán bộ đó đang thực thi công vụ?

- Về nguyên tắc, khi cán bộ đó đang sử dụng xe công thì nghĩa là đang thực hiện công vụ. Còn việc ngăn ngừa sử dụng xe công sai mục đích thì do quy định khác. Không thể đòi hỏi CSGT phải xác định cán bộ đó có đang thực thi công vụ hay không, điều này là rất khó.

Ngoài ra, Bộ sẽ nghiên cứu không chỉ riêng cán bộ cấp cao mà một số trường hợp cấp bách khác cũng được áp dụng sự ưu tiên này, ví dụ như cứu hộ cứu nạn, đưa phụ nữ đi sinh...

Trong trường hợp cán bộ cấp cao trực tiếp lái xe mà gây tai nạn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng (chết người chẳng hạn), việc ưu tiên này có ảnh hưởng tới quá trình điều tra, giải quyết TNGT?

- Nếu xảy ra chết người thì đây là trường hợp nghiêm trọng, tức là có yếu tố tội phạm nên sẽ áp dụng theo quy trình khác, dự thảo thông tư này chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.

Cụ thể, với trường hợp xe công vụ do tài xế lái, nếu xe vẫn đi được thì người lái phải ký vào biên bản xác nhận rồi mới được đưa cán bộ đó đi tiếp. Nếu xe bị hư hỏng, CSGT phải bố trí phương tiện đưa cán bộ đó tới địa điểm theo yêu cầu, còn tài xế ở lại giải quyết.

Nếu cán bộ cấp cao trực tiếp lái xe gây tai nạn, họ sẽ phải ký biên bản đầy đủ rồi được đi. Sau khi giải quyết công vụ xong thì quay lại tiếp tục phục vụ công tác điều tra. Bản thân họ không thể đứng ngoài vụ việc đó vì đã có biên bản, nên không thể có chuyện đi rồi là thoát tội.

- Xin cám ơn ông.

Vẫn cho CSGT quyền trưng dụng phương tiện

CSGT phải cân nhắc khi truy đuổi người vi phạm.

.Thưa Thiếu tướng, dự thảo lần này có đưa ra những điểm nào mới so với quy định hiện hành?

+ Một số điểm mới của dự thảo có thể kể đến như quyền huy động, trưng dụng phương tiện của CSGT khi xử lý TNGT. Quyền này đã có từ lâu, được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác và nay dự thảo nêu rất cụ thể các trường hợp được quyền huy động, trưng dụng để tránh dẫn tới hiểu sai. Việc bổ sung này cũng để hướng dẫn nghiệp vụ sao cho lực lượng CSGT thực hiện đúng, tránh lạm quyền hoặc lợi dụng xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, thường thì khi xảy ra TNGT, các phương tiện liên quan đều bị giữ lại nhưng trong dự thảo thông tư mới, các phương tiện được xác định không gây ra lỗi sẽ được trả lại ngay cho người dân. Điều này xuất phát từ việc số lượng phương tiện bị tạm giữ hiện nay rất lớn, cạnh đó việc giữ toàn bộ phương tiện liên quan sẽ ảnh hưởng tới quyền sử dụng tài sản của người dân, gây phức tạp trong quá trình quản lý. Do vậy, nếu không cần thiết thì CSGT sẽ trả ngay phương tiện cho chủ, sau này cần phục vụ công tác điều tra sẽ thông báo sau.

. Vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn chết người xuất phát từ việc CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông. Vậy dự thảo có đề cập tới quyền truy đuổi của CSGT?

+ Khi người gây ra TNGT cố tình bỏ trốn, CSGT có quyền truy đuổi. Tuy nhiên, người CSGT đó phải cân nhắc xem trường hợp nào thì nên truy đuổi, có nhất thiết hay không. Nếu đã biết biển số, loại xe thì thông báo cho các đơn vị khác phối hợp xử lý.

Trong trường hợp người gây tai nạn cố tình bỏ chạy, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường thì CSGT phải cảnh báo cho các phương tiện khác, đồng thời phối hợp với các đơn vị gần đó thực hiện việc truy bắt.

Trường hợp người bị truy đuổi tử vong, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để xem xét trách nhiệm. Nếu CSGT đó đã áp dụng đúng các quy trình, thao tác thì không phải chịu trách nhiệm; ngược lại, nếu có sai sót thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo Tuyết Phan

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên