MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Các đại biểu nói gì sau phiên chất vấn?

22-11-2013 - 10:12 AM | Xã hội

So với các kỳ họp trước, phần chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 này, mặc dù có một số điểm mới nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu “ lửa”.

 Nhiều đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của các Bộ trưởng. Phóng viên TBNH ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

 
Đại biểu Bùi Thị An  

Đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội): Chất vấn và trả lời chất vấn thiếu lửa

Trả lời chất vấn tại kỳ họp này, các vị Bộ trưởng và Trưởng ngành đều đã chuẩn bị rất kỹ tài liệu, đã nêu được những vấn đề các đại biểu yêu cầu. Tuy nhiên, các Bộ trưởng cần trả lời ngắn gọn hơn, rõ ràng hơn về những nội dung, tiến độ, kế hoạch thực hiện. Thực tế, các ý kiến trả lời thiên về diễn giải nhiều hơn là đi thẳng vào các vấn đề.

Trong kỳ chất vấn này, một số Đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi tuy hơi dài nhưng khá sắc sảo, nhưng về “độ nóng” so với các kỳ họp trước không bằng và có thể nói là thiếu lửa. Có thể do một số vấn đề nêu ra từ các kỳ họp trước đã được giải quyết, nên sức hấp dẫn của phiên chất vấn này bị giảm nhiều.

 
  Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tôi ấn tượng với câu “ba nhà mạng bắt tay, còn Bộ trưởng nắm tay”

Có nhiều ý kiến cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề cũ, theo tôi đúng hơn là câu hỏi lần này nêu lại những vấn đề chưa được giải quyết. Chẳng hạn vấn đề án tuyên sai, nội dung này đã đặt vấn đề rồi nhưng chưa được xử lý. Nhưng thực tế tồn tại trong xã hội và trong nhiều lĩnh vực không phải ngày một ngày hai là xử lý được. Kể cả hôm nay Bộ trưởng trả lời rồi, hứa rồi, nhưng mà chắc chắn lần sau vẫn tồn đọng. Tóm lại, phương châm giữa đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng là cùng hướng tới mục đích, cố gắng hạn chế, khắc phục.

Điểm mới ghi nhận mấy phiên chất vấn vừa qua là các Bộ trưởng liên quan như Công an, Y tế, Thống đốc NHNN… đã làm rõ thêm vấn đề và giải thích rất rõ ràng. Cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội cũng dứt khoát, rõ ràng, Chủ tịch nắm nội dung thông tin câu hỏi rất chắc chắn nên đã định hướng giúp các Bộ trưởng trả lời tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội cũng có những câu bình luận hài hước nhưng rất sâu sắc. Tôi ấn tượng với câu “ba nhà mạng bắt tay, còn Bộ trưởng nắm tay”.

 
  Đại biểu Lê Như Tiến

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Sau chất vấn mà không hành động thì mọi thứ đều vô nghĩa

Tôi thấy các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn nhìn chung chân thành, cầu thị và cũng rất nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa hài lòng lắm vì cách trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành vẫn chưa trả lời trực diện vào những câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.

Điều quan trọng nữa là phải làm sao để tăng được tính phản biện sau quá trình chất vấn. Bởi nếu chỉ hỏi một chiều, sau đó lại trả lời một chiều, không có đối thoại nhiều, không có tranh luận, trao đổi, chắc chắn những vấn đề cốt lõi, bản chất sẽ không bật được ra. Ví dụ như với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi được hỏi tỷ lệ 30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về có đúng không, vẫn không nhận được câu trả lời trực diện.

Một vấn đề nữa theo tôi là thiếu cái chất “lửa” trong chất vấn. Thiếu lửa ở đây không phải là sự gay gắt, mà chính là sự nhiệt huyết, cái tận cùng của vấn đề, là hậu chất vấn. Nó chính là hành động và chuyển động. Nếu sau chất vấn mà không hành động, chuyển động thì mọi thứ đều vô nghĩa.

Nhóm PV

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên