MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lạm phát" cấp phó ở địa phương, sắp xếp lại kiểu gì?

06-04-2016 - 09:25 AM | Xã hội

Để giải quyết việc số lượng Phó Chủ tịch dôi dư ở địa phương, chính quyền các cấp phải chủ động vào cuộc bố trí sắp xếp.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương thay thế Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 với nhiều điểm mới cơ bản.

Những quy định mới này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND tới đây, đặc biệt là đối với 10 tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết: ở những nơi thí điểm không tổ chức HĐND vẫn sẽ tiến hành bầu cử đại biểu HĐND, bầu ra HĐND và bầu ra UBND ở huyện, quận, phường.

PV: Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND. Như vậy tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, công tác bầu cử sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Văn Hùng: Như chúng ta đã biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 2015. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2016, theo tinh thần của Luật này, tại khoản 2 Điều 142 đã quy định chấm dứt việc thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và Nghị quyết 724 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, việc chấm dứt thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ thực hiện theo Luật năm 2015. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND ở huyện, quận, phường thực hiện thí điểm vẫn thực hiện theo Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đến khi bầu ra được bộ máy mới trong nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ở những nơi thí điểm không tổ chức HĐND này sẽ tiến hành bầu cử đại biểu HĐND, bầu ra HĐND và bầu ra UBND ở huyện, quận, phường và quy trình tổ chức thực hiện cuộc bầu cử này đã được quy định ở Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND và những văn bản pháp luật có liên quan.

PV: Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đó là quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp căn cứ theo phân loại đơn vị hành chính. Trong khi hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về phân loại đơn vị hành chính đã gây lúng túng cho địa phương khi dự kiến nhân sự Phó Chủ tịch UBND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Phan Văn Hùng: Trước đây, số lượng Phó Chủ tịch UBND theo Nghị định 107 của Chính phủ quy định quy mô dân số, diện tích và số đơn vị hành chính của một đơn vị hành chính. Căn cứ vào đó để tính ra số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cách thức để tính số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp lại căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính.

Hiện nay, phân loại đơn vị hành chính theo Nghị định số 15 và Nghị định số 159, để giải quyết việc này, Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo hướng vẫn căn cứ vào Nghị định 159 và Nghị định số 15 để tính số lượng Phó Chủ tịch cho nhiệm kỳ 2016 – 2021 trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành một nghị quyết mới.

Nghị định số 159 và Nghị định số 15 quy định các căn cứ để tính phân loại đơn vị hành chính, gồm quy mô dân số, số đơn vị hành chính, diện tích, điều kiện kinh tế xã hội và các yếu tố đặc thù của từng địa phương, của từng đơn vị hành chính để phân loại đơn vị hành chính.

Phân loại đơn vị hành chính này cũng bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về phân loại đơn vị hành chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết này trong thời gian sớm nhất.

PV: Trong nhiệm kỳ qua, tình trạng “lạm phát” cấp phó diễn ra ở nhiều địa phương. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp bắt đầu từ nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ phải giảm đi so với quy định hiện nay, vậy số lượng cấp phó dôi dư sẽ phải giải quyết thế nào, thưa ông?

Ông Phan Văn Hùng: Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, phân loại đơn vị hành chính sẽ là căn cứ để tính số lượng Phó Chủ tịch và với cách tính như thế này, thì xu hướng Phó Chủ tịch UBND ở các cấp có xu hướng giảm.

Để giải quyết việc dôi dư số lượng Phó Chủ tịch này, chính quyền các cấp phải chủ động vào cuộc bố trí sắp xếp đối với số lượng Phó Chủ tịch giảm này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phương án, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định chức danh thường trực HĐND sẽ chuyển thành Phó Chủ tịch HĐND. Đây cũng là cơ sở để sắp xếp cán bộ chủ chốt của UBND sang HĐND.

Thứ hai, ở những nơi thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, số lượng Phó Chủ tịch HĐND tới đây sẽ được bầu trở lại. Đây cũng là một căn cứ có thể làm cho các địa phương sắp xếp, bố trí nhân sự.

Ngoài ra còn theo quy hoạch cán bộ và chính sách cán bộ ở địa phương, các địa phương sẽ chủ động trong việc sắp xếp số cán bộ dôi dư này. Nếu như không sắp xếp, bố trí được vào một chức danh vị trí, thì ở địa phương chủ động thực hiện các chính sách cán bộ khác như chính sách tinh giản biên chế.

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ đã báo cáo có thẩm quyền để xem xét, quyết định. Khi cơ quan có thẩm quyền có văn bản, Bộ Nội vụ sẽ chủ động có văn bản hướng dẫn để các địa phương tổ chức thực hiện trên thực tế.

Xin cảm ơn ông.

Theo Lại Hoa

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên